Câu chuyện về nước

23/03/2024 06:28

“Thiếu nước thấy khổ hơn cả thiếu ăn”- câu nói ngậm ngùi của Y Thi đã gieo vào lòng tôi một ấn tượng khó quên.

Y Thi ngậm ngùi kể về những ngày khô hạn trước đây mà dân làng phải chịu đựng và vượt qua, khi công trình cấp nước sinh hoạt chưa được xây dựng tại làng.

Trước đây, nguồn nước mát lành của dân làng được cung cấp bởi con suối trong vắt chảy ra từ khu rừng nguyên sinh. Nhưng rồi rừng đầu nguồn bị xâm hại, bị tàn phá nặng nề.

Không còn rừng giữ nước, con suối chảy qua làng cạn kiệt, không còn bắt được giọt nước nữa. Khô khát làm cuộc sống của dân làng chật vật, phải chắt chiu từng giọt nước mát.

Dân làng được vận động đào giếng lấy nước. Nhưng các giếng cũng cạn kiệt vào mùa khô, dân làng lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt kéo dài. Giếng nước của nhà Y Thi cạn rất nhanh, gạn cả ngày cả đêm cũng chỉ được mấy can nhựa, để dành cho ăn uống, còn tắm giặt thì đi mấy cây số để ra sông.

Nguồn nước mặt đứng trước nguy cơ suy thoái, ô nhiễm do hoạt động sản xuất. Ảnh: HL

 

Sự thay đổi lại diễn ra âm thầm nhưng khốc liệt và chóng vánh. Khi  Y Thi cưới A Blê, nước tự chảy kéo về tận nhà, làm heo, làm gà, chảy tràn ngày đêm, nhưng đến em gái A Blê lấy chồng thì nước chảy nhỏ giọt, không đủ dùng, đến giếng đào trước vườn cũng khô cạn, phải ra tận sông để lấy.

Cuộc sống đảo lộn hết cả vì thiếu nước. Giếng cạn, nên dù đã tiết kiệm hết mức có thể thì vẫn thiếu nước. “Thiếu nước thấy khổ hơn cả thiếu ăn”- Y Thi ngậm ngùi.

May mà gần đây, Nhà nước đầu tư xây dựng giếng khoan và các công trình phụ trợ, cấp nước sạch cho bà con. Kể từ đó, dân làng không còn lo thiếu nước, không phải dùng nước sông, nước suối không đảm bảo an toàn

Dù vào những ngày khô hạn gay gắt nhất vẫn đủ nước cho dân làng sử dụng hàng ngày. Và những quả bầu khô từng phải treo trên bếp lại chứa đầy nước mát, theo nhịp bước của Y Thi về nhà mỗi chiều.

Làng đã xây dựng quy ước, hương ước quản lý bảo vệ nguồn nước; quy định trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước; sử dụng nước tiết kiệm, để dòng nước mát luôn tuôn chảy.

Ở nhiều thôn làng, ta đều có thể nghe những câu chuyện như thế về nước, về cách mà chúng ta đã và đang ứng xử với nước.

Kon Tum được đánh giá là một trong những tỉnh giàu tài nguyên nước, kể cả nước mặt và nước dưới đất (hay còn gọi là nước ngầm).

Nhưng so với các tỉnh khác trong khu vực, Kon Tum thường có nền nhiệt độ cao hơn và lượng mưa thấp hơn. Mặt khác, do địa hình có xu thế cao hơn so với vùng phụ cận, nên các nguồn nước mặt lại là đầu nguồn của các hệ thống sông (Sê San, Vu Gia – Thu bồn, Trà Khúc...). Do đó, nước mặt gần như không được bổ sung từ nguồn khác, ngoài mưa.

 Nước dưới đất là nguồn cung cấp nước chính để đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và một số nhu cầu khác tại nhiều khu vực, nhưng cũng có diện phân bố hạn chế, và có nguy cơ suy kiệt.

Vì vậy, nhiều vùng ở Kon Tum thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, thiếu nước phục vụ sinh hoạt.

Điều đáng lo ngại là, không phải vô tận như ta vẫn nghĩ, nguồn tài nguyên nước, bao gồm cả nuớc mặt và dưới đất, đứng trước nguy cơ bị khai thác quá mức, dẫn đến suy giảm trữ lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, đã ghi nhận nhiều vấn đề đe dọa an ninh nguồn nước. Đó là ô nhiễm nguồn nước do xả thải bừa bãi không qua xử lý; chôn lấp rác thải không đúng quy chuẩn; khai thác khoáng sản; sử dụng hóa chất bừa bãi trong sản xuất; lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước; phá rừng làm mất nguồn sinh thủy.

Cần có cơ chế, chính sách đồng bộ bảo vệ an ninh nguồn nước. Ảnh: H.L

 

Theo cơ quan chuyên môn, bất cập lớn nhất hiện nay là thể chế, chính sách còn chồng chéo trong quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho nhiệm vụ cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm vẫn còn hạn chế.

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quy mô dân số ngày càng tăng thì nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt ngày càng lớn, đồng nghĩa áp lực bảo đảm an ninh nguồn nước cũng tăng lên.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách phù hợp, hiệu quả, để vừa đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của mỗi khu vực, địa phương, vừa thoả mãn nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng lớn, gây các tác hại nghiêm trọng cho mai sau.

Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.

Muốn như vậy cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết, nâng cao tính chủ động về nguồn nước, bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước. Từ đó quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thuỷ lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước. Chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước. Đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nguồn nước mặt, nước dưới đất; phân loại nguồn nước theo mức độ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt để có giải pháp ngăn chặn ô nhiễm và phục hồi.

Hồng Lam

Chuyên mục khác