Câu chuyện sách giáo khoa

25/08/2023 06:03

Những rắc rối, bất ổn và lãng phí từ việc có nhiều bộ sách giáo khoa từng khiến phụ huynh bất bình mấy năm qua liệu có được giải quyết với một bộ sách giáo khoa của Nhà nước và công khai, minh bạch việc biên soạn, phát hành?

Hiện nay, học sinh cả nước nói chung và học sinh tỉnh ta nói riêng đang học chủ yếu 3 bộ sách, gồm Bộ sách giáo khoa Cánh diều, Bộ sách Chân trời sáng tạo, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Việc lựa chọn sách đang được áp dụng hiện nay là các cơ sở giáo dục nghiên cứu các đầu sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, phân tích, đánh giá và đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, báo cáo về Sở GD&ĐT.

Sau đó, Sở GD&ĐT thành lập hội đồng bỏ phiếu và trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định chọn sách.

Không thể phủ nhận rằng, thực hiện nhiều bộ sách sẽ có nhiều nguồn tài nguyên, học liệu phục vụ dạy và học, tăng tính cạnh tranh giữa các nhà xuất bản, bộ sách. Học sinh sẽ được học với những quyển sách đạt tiêu chuẩn với giá cả cạnh tranh, nếu thực hiện một cách đúng đắn.

Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều rắc rối, bất ổn và lãng phí từ việc một chương trình nhiều sách giáo khoa.

Có những rắc rối, bất ổn và lãng phí từ việc có nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh: HL

 

Mới đây, Sơn- một người mới chuyển về xóm tôi- kể rằng, vì chuyển công tác nên cũng xin cho con chuyển trường. Khi về trường mới, được cô giáo thông báo mua sách giáo khoa K cho con, Sơn mới giật mình vì trước đó đã chuẩn bị xong sách vở, đồ dùng học tập, trong đó có bộ sách giáo khoa C, như khi ở trường cũ.

Thế là em lại phải chạy đi tìm mua bộ sách giáo khoa mới theo như thông báo. Thành ra tốn tiền hai lần, lại bỏ không một bộ. Em cũng không nghĩ lại bị chuyện sách giáo khoa “hành” như vậy- Sơn phàn nàn.  

Rắc rối và phức tạp không chỉ nằm ở đó, mà còn đến từ việc dù là cùng 1 chương trình, nhưng triết lý của mỗi bộ sách đều khác nhau, nên có những bài học được nhóm tác giả này bố trí ở lớp 6 nhưng nhóm tác giả của nhà xuất bản khác lại bố trí ở lớp 7 và ngược lại.

Năm ngoái, từng có phụ huynh chỉ ra rằng: Môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở  các bài học Mây và Sóng; Cánh buồm; Thành ngữ đang được các bộ sách bố trí so le ở lớp 6 và lớp 7 khác nhau.

Điều này làm cho phụ huynh, học sinh rối như canh hẹ. Thậm chí cả giáo viên nhiều khi cũng không biết giải thích như thế nào.

Đó là chưa kể đến việc lựa chọn sách giáo khoa đang được thực hiện trên “quan hệ” và “sở thích”, hay “nhu cầu” của nhà trường và hội đồng các cấp, phụ huynh, học sinh chỉ có thể mua theo, gần như không có quyền quyết định loại sách học.

Vì thế, mới có chuyện khiến phụ huynh bất bình là lớp 6 đang sách của bên A, nhưng lên lớp 7 thì tổ chuyên môn và nhà trường lại chọn sách của bên B. Tất nhiên là phải làm quy trình để thay luôn cả sách lớp 6 vì không thể 1 môn học trong 1 cấp học mà trường lại dạy 2 bộ sách khác nhau.

Vậy là phụ huynh lại phải đôn đáo đi tìm mua sách mới cho con. Vừa tốn tiền, vừa ôm một bụng ấm ức.

Ngày càng nhiều người lên tiếng về những rắc rối, bất ổn và lãng phí từ việc có nhiều bộ sách giáo khoa, nhất là phụ huynh ở khu vực nông thôn, hay công nhân, lao động phổ thông. Đồng thời họ ủng hộ sử dụng 1 bộ sách giáo khoa thống nhất.

Sách giáo khoa không nên để xảy ra tình trạng nhiều bộ, mà nên có một bộ cơ bản và thống nhất, được thay đổi theo chu kỳ, bao nhiêu lâu mới thay đổi một lần- Sơn kiến nghị.

Việc biên soạn sách giáo khoa không nên hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa. Ảnh: HL

 

Tôi vẫn nhớ những ngày chuẩn bị bước vào năm học mới xưa kia. Chúng tôi chộn rộn đi mượn sách cũ về, rồi tỉ mẩn ngồi vuốt cho phẳng từng mép sách bị quăn, bọc bìa cẩn thận. Bao giờ cũng được dặn: Giữ cẩn thận để người sau có sách dùng.

Nhà tôi có 4 chị em. Vào mỗi cấp học, bố mẹ chỉ mất tiền mua một bộ sách giáo khoa, dù vậy cũng đã cố lắm rồi. Cứ thế, chị học xong đến em. Đứa nào cũng cố giữ cho thật tốt, không dám quăng quật, vứt bừa bãi, tránh quăn mép, không viết bậy vì nghĩ đến người dùng sau.

Lỡ như mất cuốn nào thì sẽ lên thư viện nhà trường mượn. Trước khi được nhận sách phải viết giấy cam kết đền khi làm hỏng, rách, long gáy, bôi bẩn và mất, tất nhiên rồi.

Thậm chí khi em út học xong, vẫn còn có thể cho những em nhỏ hơn trong xóm mượn lại để học. 

Tất nhiên, đặc thù của ngành giáo dục là đa dạng và linh hoạt, phù hợp với biến động liên tục của cuộc sống cũng như đảm bảo cá nhân hóa cao độ chương trình, giúp người học phát triển hài hòa bản thân trong các mối quan hệ.

Tuy vậy, tôi đồng tình với ý kiến rằng, xã hội hóa việc “làm” sách giáo khoa là chủ trương đúng, nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải đầy đủ một bộ.

Mới đây, ngày 16/8, trong Công điện số 747/CĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước và công khai, minh bạch việc biên soạn, phát hành.

Trước đó, tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chiều 14/8, đề nghị về việc nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước cũng đã được thảo luận sôi nổi.

Đoàn giám sát nhận định việc không tổ chức biên soạn được bộ sách giáo khoa của Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa có thể gây rủi ro trong trường hợp không có sách giáo khoa, hoặc sách giáo khoa không bảo đảm chất lượng.

Câu hỏi đặt ra là, liệu một bộ sách giáo khoa của Nhà nước và công khai, minh bạch việc biên soạn, phát hành có giải quyết được những rắc rối, bất ổn và lãng phí từ việc có nhiều bộ sách giáo khoa?

Tôi cho rằng có thể. Không chỉ vậy, còn khắc phục được tình trạng đẩy gánh nặng lựa chọn lên “vai” nhà trường và phụ huynh.

Hồng Lam

Chuyên mục khác