Cảnh giác với “giặc lửa” dịp Tết

08/01/2024 13:09

Ẩn họa về “giặc lửa” là nỗi lo thường trực đối với các cơ quan chức năng và nhiều người dân, nhất là trong cao điểm mùa khô và giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Do đó, công tác phòng cháy trong những ngày này hết sức quan trọng để giảm thiểu những thiệt hại do cháy gây ra.

Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên cả nước diễn ra phức tạp, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nặng nề về tính mạng, tài sản nhân dân, nhà nước.

Tại tỉnh ta, năm 2023 xảy ra 4 vụ cháy nhà dân gây thiệt hại khoảng 160 triệu đồng và 5 vụ cháy rừng gây thiệt hại 0,768 ha rừng trồng.

Trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, chợ đều gia tăng so với ngày thường. Lượng hàng hóa, vật tư dự trữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết cao hơn, trong khi nhiều cơ sở mặt bằng nhỏ, nằm trong khu dân cư, lối đi lại chật hẹp, các điều kiện về phòng cháy chữa cháy không đảm bảo tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ cháy xảy ra ở khu vực nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hoặc tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Nguyên nhân  phần lớn do chập điện, sơ suất trong dùng lửa, dùng nhiệt...Hơn nữa, hiện nay, thời tiết đang vào hanh khô, khả năng phát sinh cháy tại các cơ sở này và cháy lan sang nhà dân hoặc ngược lại là rất cao.

 
Lực lượng chức năng tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh: TH

 

Bên cạnh đó, vào dịp Tết, việc thắp hương, đốt vàng mã, thực hiện các nghi thức tâm linh tại các đền, chùa, miếu, nơi tổ chức các hoạt động thờ cúng và hộ gia đình gia tăng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn, thế nhưng dường như việc đốt vàng mã tạ lễ cuối năm, hóa vàng đêm giao thừa, lễ khai xuân vẫn diễn ra phổ biến.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ cháy, nổ do thắp hương, đốt vàng mã dịp lễ, tết mà không đảm bảo an toàn.

Hẳn rằng, mọi người đều thấy rõ, nếu như “bà hỏa” ghé thăm thì hậu quả rất khôn lường, may mắn không thiệt hại về người thì tài sản cũng sẽ bị thiêu rụi. Vì vậy, công tác phòng chống cháy nổ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong đó,  phải lấy phòng ngừa là chính, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy. 

Để lan tỏa mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, nâng cao kiến thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống cháy nổ, thời gian qua, các lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng phòng cháy chữa cháy.

Chỉ trong năm 2023, lực lượng chức năng đã tổ chức 634 đợt tuyên truyền; thành lập 60 tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy, 37 điểm chữa cháy công cộng; hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho 40.667 thành viên hộ gia đình; vận động người dân trang bị bình chữa cháy cho 24.603 hộ, cài đặt ứng dụng “Báo cháy một một bốn” cho 63.072 tài khoản. Đồng thời, tổ chức kiểm tra 745 cơ sở, qua đó, phát hiện 125 tồn tại thiếu sót về phòng chống cháy nổ, xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp với số tiền 20,4 triệu đồng.

Để hạn chế tối đa việc xảy ra cháy, nổ, nhất là trong mùa tết, ngày 14/11/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3933/UBND-NC chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành  chức năng  triển khai nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn  người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy nhằm bảo đảm an toàn, tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Để đón tết, vui xuân an toàn, cùng với các giải pháp của ngành chức năng thì điều quan trọng là vẫn cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy và các kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy nổ của người dân. Bởi rằng, nếu mỗi người dân còn xem nhẹ công tác này thì cháy nổ vẫn là thảm họa, là nỗi ám ảnh luôn rình rập và hậu quả không thể lường trước được.

Thùy Hương

Chuyên mục khác