Cánh cửa khác mở ra

26/04/2018 07:04

​Hụt hẫng, chới với sau khi bị cắt hợp đồng lao động, tuy nhiên, với ý nghĩ “cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra”, mỗi người đều cố gắng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm có sẵn, bắt tay làm lại từ đầu.

Sau 5 năm làm việc tại một sở trên địa bàn thành phố, cuối năm 2017, chị M.C bị cơ quan cắt hợp đồng để thực hiện đề án tinh giản biên chế. Sau khi thôi việc, chị C được nhận lương đầy đủ, thu nhập tăng thêm trong năm 2017 của đơn vị, đồng thời được giải quyết các chế độ theo quy định.

“Tôi đã được chốt sổ bảo hiểm xã hội nhưng không nhận tiền, để khi nào có điều kiện sẽ tiếp tục đóng. Tôi cũng được hưởng 5 tháng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định” – chị C chia sẻ.

Đang có công việc ổn định, giờ lại thất nghiệp, chị C rất hụt hẫng và chới với. “Thời gian đầu tôi rất lo lắng vì đằng sau là gánh nặng gia đình. Bắt nhịp lại, tôi buôn bán, làm các việc lặt vặt để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ tôi đang tìm kiếm công ty, đơn vị nào tuyển đúng chuyên ngành thì xin việc làm lại” – chị C chia sẻ.

Sau khi nghỉ việc, chị Hưng bắt tay vào mở rộng trang trại trồng lan cắt cành mokara. Ảnh: B.A

 

Chị Lê Thị Hưng ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum cũng bị cắt hợp đồng sau khi làm việc 3 năm tại Chi cục Bảo vệ thực vật, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng như chị C, thời gian đầu khi nhận quyết định, chị Hưng chới với và khá lo lắng về vấn đề thu nhập.

“Dù được giải quyết và nhận các chế độ đầy đủ theo quy định nhưng lúc đầu vẫn rất hụt hẫng. Nghĩ thoáng hơn, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra, tôi quyết tâm bắt tay làm lại từ đầu” – chị Hưng chia sẻ.

Trước đó, khi đang còn làm việc tại cơ quan, chị Hưng đã xây dựng ý tưởng và thực hiện trồng lan mokara cắt cành. Khi ấy, vườn lan chỉ được xác định là thu nhập phụ thêm cho gia đình. Sau khi nghỉ việc, chỉ mất một thời gian ngắn, chị Hưng liền quyết tâm bắt tay vào trồng, phát triển trang trại lan mokara cắt cành, để vườn lan trở thành thu nhập chính.

“Tôi mở rộng diện tích từ 1.400m2 lên 2.000m2 và quyết tâm dành thời gian chăm sóc tốt nhất cho vườn để có được thu nhập 150 triệu đồng/năm” – chị Hưng chia sẻ.

Hiện tại, không chỉ trồng lan, chị Hưng còn trồng thêm 2.000m2  khổ qua, vừa cải thiện bữa ăn hàng ngày và bán ra thị trường, lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh đó, chị còn ấp ủ, lên kế hoạch thực hiện các ý tưởng kinh doanh khác để đem lại niềm vui cho bản thân và tăng thêm thu nhập cho gia đình.

“Nghỉ việc, chú trọng chăm sóc vườn lan, mình thấy rất vui. Hiện tại vườn lan đang phát triển rất tốt, nhiều bạn hàng cũng đặt mua liên tục, hứa hẹn sẽ cho nguồn thu ổn định” – chị Hưng phấn khởi.

Khác với chị Hưng, chị C, ngay khi nghe thông tin sắp bị cắt hợp đồng, anh Võ Vi Vương, giáo viên Trường Trung cấp Nghề Kon Tum đã chủ động xin nghỉ để tìm kiếm một công việc khác phù hợp. Anh cho biết, anh được chốt sổ bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn làm bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, tuy nhiên, vì bản thân để quá thời gian quy định nên anh không được nhận bảo hiểm thất nghiệp.

Không để bản thân rơi vào thế bị động, ngay khi viết đơn xin nghỉ việc, anh Vương vào Thành phố Hồ Chí Minh, nộp đơn xin vào làm tại một công ty xây dựng. Được nhận vào làm, anh bắt nhịp và làm tốt công việc.

“Mới đầu cũng bỡ ngỡ nhưng mình cố gắng trau dồi thêm kiến thức cũng như thích nghi với thực tế. Đến nay, mọi việc đã ổn định, thu nhập cũng được 10 triệu/tháng” - anh Vương chia sẻ

Anh Vương, chị Hưng, chị C chỉ là 3 trong số rất nhiều người thôi việc để thực hiện theo đề án tinh giản biên chế. Và thực tế, khi mất một công việc đã gắn bó, bị mất đi một khoản thu nhập ổn định, hầu hết mọi người đều bị “sốc”. Tuy nhiên, ai nấy đều cố gắng tìm cơ hội mới, sẵn sàng bắt tay làm lại từ đầu để ổn định thu nhập và có thêm niềm vui trong công việc, trong cuộc sống. 

Bình An

Chuyên mục khác