20/05/2018 07:40
Muộn phiền nhìn con… “ôm” điện thoại
Nghe con nói cần điện thoại để học tiếng Anh, giải Toán qua mạng internet, chị P.T.T, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum quyết chắt chiu mua một chiếc smartphone để con bằng bạn bằng bè.
Không thấy học tiếng Anh cũng chẳng thấy con làm Toán, từ ngày có điện thoại, cậu con lớp 4 của chị chỉ ôm khư khư lấy điện thoại để chơi game, xem các chương trình trên youtube. Từ một đứa bé ngoan ngoãn, con chị trở nên lì lợm, học hành sa sút.
Chị T than thở, đến kỳ thi nhưng con chị chỉ quan tâm đến điện thoại. Cứ đi học về, bỏ cặp xuống, chưa kịp ăn uống, cậu bé đã “ôm” điện thoại hàng tiếng đồng hồ. Đến bữa ăn, vợ chồng chị phải năn nỉ lắm, thậm chí la mắng cậu mới hằn học cất điện thoại, ăn vội chén cơm rồi tiếp tục chơi.
“Tôi la mắng, bắt xóa tất cả các loại game nhưng rồi cháu ương ngạnh, cứ giãy nảy rồi hét toáng lên. Ngày trước cháu hiền lành lắm, chăm chỉ học, hay chơi với các bạn hàng xóm, giờ thì chỉ chơi với điện thoại thôi. Lắm lúc rất sợ cháu truy cập vô mấy kênh không lành mạnh cho lứa tuổi, lại hư hỏng” - chị T buồn bã.
Có riêng gì chị T, chị N.T.P ở phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum cũng ngán ngẩm vì con gái mới mẫu giáo đã nghiện điện thoại. “Đến bữa ăn là khổ sở với con luôn. Phải cho cầm điện thoại bé mới chịu ăn. Nửa đêm, phải cho cháu cầm điện thoại xem, cháu mới ngủ được. Thực sự rất lo lắng, không biết làm sao để cháu dứt ra khỏi chiếc điện thoại” – chị P chia sẻ.
Có riêng gì bé mẫu giáo, con trai lớn của chị cũng suốt ngày mượn điện thoại để lên… facebook. Mê mẩn đến nỗi, nghe mẹ gọi, cậu con cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, vừa xem điện thoại, vừa đi đến mức ngã cầu thang dập mặt.
Giúp con “cai nghiện”
Thấy cậu con lớp 1 ngày càng mê điện thoại, chị K.T.Th ở phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum dọa: “Nếu còn cầm vào điện thoại, mẹ cho vào trại cai nghiện điện thoại ngay lập tức”. Lời đe dọa của chị thoạt đầu cũng có tác dụng, nhưng sau, đâu lại vào đấy, cứ rảnh rỗi, cậu bé lại: “Ba ơi, cho con mượn điện thoại”.
Cũng vì chiếc điện thoại mà gia đình chị T thường xuyên xảy ra cãi vã. Chồng chị đổ lỗi cho vợ: “Do bà mua điện thoại mà con hư”; chị thì trách: “Do ông không chịu quan tâm con nên mới thế…”. Mặc kệ cha mẹ cãi nhau, cậu con vẫn cười tươi với các trò game đủ sắc màu trên chiếc smartphone nhỏ nhắn.
Thực tế, việc ngồi hàng giờ trước điện thoại hay máy tính bảng là một trong những nguyên nhân gây mắc các bệnh về khúc xạ như cận thị. Cùng với đó, trước con số có đến hơn 80% các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên tại Việt Nam được xếp vào đối tượng nghiện smartphone và thực trạng người nghiện facebook ùn ùn nhập viện tâm thần, nhiều phụ huynh nóng lòng: làm thế nào để “giữ” con trước cơn mê điện thoại.
Từ khuyên nhủ, la mắng, đe dọa… nhiều biện pháp được đưa ra vẫn chưa hữu hiệu, nhiều phụ huynh lên kế hoạch “cai nghiện” cho con. “Nghe các chị bày, thời gian đến, khi nghỉ hè, tôi sẽ cho các con học cầu lông để vận động, giảm bớt thời gian rảnh vào việc chơi điện thoại. Và đặc biệt, tôi sẽ tìm cách tịch thu, chỉ cho sử dụng điện thoại, máy tính bảng vào đúng 2 giờ ngày cuối tuần” – chị P cho biết.
Ngoài các biện pháp cho các con tham gia thể thao, nhiều phụ huynh cho biết sẽ cho các con học các lớp về kỹ năng sống, tham gia các lớp học vẽ, đi dã ngoại để con… bớt nghĩ đến điện thoại.
Không chỉ thế, chị Th chia sẻ, sẽ quan tâm, đồng hành, làm bạn với con. “Trước đây quá bận bịu, cứ đi làm về, tôi lại đưa điện thoại cho con chơi để có thời gian làm việc nhà. Giờ đây, khi con chưa “lâm nặng” vào điện thoại, tôi sẽ từ từ cùng con đi siêu thị, cùng con chơi trò chơi, mua sách đọc cùng con. Tôi sẽ tìm cách cho con làm quen và có thói quen đọc sách, tìm những điều hay, thú vị trên từng trang sách” – chị Th nói.
Còn vợ chồng chị T kiên quyết rằng: Chúng tôi sẽ áp dụng kỷ luật thép đối với con. Vợ chồng tôi sẽ hướng dẫn con phải lên thời gian biểu học tập đàng hoàng và giám sát chặt chẽ. Thời gian hè này tôi sẽ đăng ký cho con tham gia vào học kỳ quân đội để con được rèn luyện, học cách ngăn nắp, gọn gàng. Trong 1 tháng, không sử dụng điện thoại, được giao lưu với nhiều bạn bè, hi vọng con sẽ qua được cơn… mê điện thoại.
Điện thoại tiện ích thật nhưng nếu không biết cách, nó sẽ là một con dao hai lưỡi. Hãy luôn đồng hành, làm bạn với con, đừng vì bận bịu, nuông chiều mà biến chiếc smartphone thành người bạn ảo của con, để rồi nhận phải những hệ lụy đáng tiếc!
Bình An