Cảnh báo sách giáo khoa giả trên thị trường

30/08/2019 13:06

Năm học mới 2019-2020 đã bắt đầu, thị trường sách giáo khoa và sách bổ trợ kiến thức học tập cũng tấp nập khách hàng. Tuy nhiên, các ngành chức năng cảnh báo người dân nên tìm mua các loại sách trên ở các địa chỉ công ty, đơn vị phát hành sách có uy tín hoặc các đơn vị chuyên cung cấp sách và thiết bị trường học chính thống để tránh mua phải sách giả, sách in lậu…

Mua phải sách giả

Tháng 6 vừa qua, anh Võ Quý Nhân ở huyện Ngọc Hồi ghé 1 cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm tại thị trấn Plei Kần để mua đồ dùng học tập, sách vở cho con gái, chuẩn bị năm học mới.

Gần đến ngày con tựu trường, anh soạn sách vở để ghi nhãn, bao bọc cẩn thận, lúc này anh mới phát hiện có 1 cuốn sách tiếng Anh với màu sắc không tươi tắn, bên trong sách đánh số trang không theo thứ tự nên đã nhờ người quen ở ngành Giáo dục địa phương thẩm định giúp và được xác định là sách giả.

Anh Nhân nói: Tôi định đưa sách ra chỗ cửa hàng đã mua nói chuyện với chủ cửa hàng, nhưng nghĩ sách mua được gần 1 tháng, chưa chắc được đổi lại sách khác, không khéo đôi co ngoài phố sẽ xấu hổ thêm nên tôi đành đi mua sách khác cho con.

Tại thành phố Kon Tum, năm ngoái, chị Huỳnh Thị Trà My (ở phường Trường Chinh) cũng mua “trúng” sách giả ở một quầy hàng nằm trên đường Trần Hưng Đạo.

Chị My kể, do thuận đường đi làm nên chị đã ghé 1 cửa hàng mua sách cho con. Tại cửa hàng chị My mua sách, bà chủ đon đả mời khách cứ lựa thoải mái bộ sách giáo khoa theo ý thích. Sau khi lựa đủ 12 cuốn sách giáo khoa chương trình lớp 6 với giá bán 115 ngàn đồng/bộ, chị My được chủ cửa hàng nhiệt tình giới thiệu mua thêm cuốn sách tiếng Anh theo chuẩn Châu Âu giá 70 ngàn đồng/cuốn.

Tuy nhiên, khi con trai mang sách đến lớp học, cô giáo dạy môn học này đã phát hiện cuốn sách tiếng Anh trên là sách giả, vì sau gáy và bìa sau sách này không có nhãn chống hàng giả và không in logo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành chính thống toàn quốc. Đồng thời, bên trong nội dung sách giả có nhiều chỗ sai lệch về nội dung kiến thức so với sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Tăng cường kiểm soát sách giả, sách lậu

Từ thông tin cung cấp trên, chúng tôi tìm đến Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Kon Tum - nơi cung cấp hơn 1,1 triệu bản sách các loại vào đầu mỗi năm học trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Công ty cho biết, năm ngoái, chính khách hàng thông tin cho đơn vị về việc mua phải sách giả tại một cửa hàng trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ngay sau đó, lãnh đạo Công ty đã báo với lực lượng quản lý thị trường tỉnh vào cuộc kiểm tra, xử lý theo thông tin của khách hàng cung cấp.

Nhân viên Nhà sách Thời Đại (Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Kon Tum) hướng dẫn cách nhận biết các sách chính thống. Ảnh: MT

 

Ông Dũng nói thêm, ở các thành phố lớn, việc tiêu thụ sách giả, sách lậu là vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng cũng như chính các nhà xuất bản. Các năm trước, tỉnh ta không có hiện tượng sách in giả, in lậu, nhưng khoảng 2 -3 năm gần đây, vấn nạn trên có dấu hiệu xuất hiện.

“Qua theo dõi, Công ty nhận thấy, những loại sách lậu, sách giả, nhiều nhất là đầu sách tiếng Anh theo chuẩn Châu Âu hoặc sách tô màu phục vụ học sinh. Nguyên do các loại sách này được in lậu và đưa ra các cửa hàng tư nhân có giá chiết khấu cao 30-50%/tổng giá trị 1 cuốn sách với giá bán ra 40-120 ngàn/cuốn; trong khi cũng loại sách này của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, các cửa hàng nhập bán ra chỉ được chiết khấu 10%/tổng giá trị 1 cuốn sách” - ông Dũng nói về lợi nhuận cao đã làm các chủ cửa hàng kinh doanh tiếp tay cho nạn sách lậu trên địa bàn Kon Tum.

Ông Trần Kiều Hưng - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (địa bàn thành phố Kon Tum) xác nhận: Tháng 7 năm ngoái, tại thành phố Kon Tum, qua theo dõi, nắm bắt thông tin từ quần chúng, Đội kiểm tra đột xuất 1 đại lý chuyên kinh doanh văn phòng phẩm trên đường Trần Hưng Đạo (phường Quyết Thắng). Tại đây, ngành chức năng phát hiện cửa hàng lưu trữ 100 cuốn sách tiếng Anh giả chưa kịp bán ra thị trường. Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, chủ cửa hàng này bị xử phạt 10 triệu đồng và bị tịch thu, tiêu hủy toàn bộ vật chứng vi phạm liên quan.

Ngày 5/8 vừa qua, ông Trần Ngọc Thành - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 đã có báo cáo UBND huyện Ngọc Hồi về việc đơn vị phát hiện và đang hoàn thành các thủ tục xử phạt 1 cửa hàng bán lẻ văn phòng phẩm tại thị trấn Plei Kần về hành vi buôn bán 28 đầu sách tiếng Anh giả.  

Bên cạnh việc phát hiện, xử phạt các trường hợp vi phạm trên, lãnh đạo các Đội Quản lý thị trường cho rằng, công tác phối hợp kiểm tra, quản lý của các ngành chức năng và đơn vị được ủy quyền phát hành sách chính thống trong cả nước chưa được thường xuyên. Do đó, lực lượng quản lý thị trường gặp không ít khó khăn trong theo dõi, kiểm soát ở lĩnh vực này. Đây là tồn tại để các đối tượng hám lợi kinh doanh sách lậu, sách giả mặc sức tung hoành và đang có nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều ở tỉnh ta.

Hơn nữa, trên thực tế, nhiều phụ huynh chưa quan tâm hoặc chưa ý thức được tác hại của việc mua phải sách giả, sách bị in lậu như người học bị thiệt thòi phải sử dụng sách không đạt chuẩn về loại giấy in, màu sắc mờ nhạt ảnh hưởng thị lực, nhiều sai sót về kỹ thuật in, lỗi kiến thức…; dẫn đến người học chưa được phục vụ chuẩn kiến thức ở nhà trường.

Trước thực trạng trên, ông Hưng đề xuất, thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh cần quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong tiêu dùng, cần tìm đến các cơ sở kinh doanh các loại sách uy tín. Mặt khác, công tác phối hợp kiểm soát thị trường kinh doanh các loại sách cần được tăng cường, không để người dân mua phải sách giả, sách lậu.            

Theo số liệu tổng hợp của các ngành chức năng tỉnh, trên địa bàn 10 huyện và thành phố Kon Tum có hơn 200 cơ sở tư nhân, đơn vị nhà nước và công ty chuyên cung cấp, phát hành các loại sách giáo khoa, sách bổ trợ kiến thức đa lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội… 

Mai Trâm

Chuyên mục khác