Cần xử lý nghiêm việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư

04/03/2020 06:02

Ở địa bàn thành phố Kon Tum hiện có một số hộ dân vẫn vô tư chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư mà không thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người dân.

Ô nhiễm bởi các trại gà

Theo phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi không bảo đảm vệ sinh trên địa bàn, chúng tôi tìm đến khu vực Tổ dân phố 10, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum). Tại đây, có khoảng 8-10 trại gà quy mô hàng nghìn con gà tập trung.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng từ các trại gà, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của cộng đồng, người dân ở phường Duy Tân đã nhiều lần phản ánh lên các cơ quan có thẩm quyền, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều người lắc đầu ngao ngán và cho rằng “phải sống chung với ô nhiễm chứ biết làm sao bây giờ,” khi biết chúng tôi tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây. 

Trao đổi với chúng tôi, ông L.Đ.Y (Tổ dân phố 10, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) rất bức xúc: Hơn 1 năm qua, gia đình tôi và một số hộ dân rất khổ sở với tình trạng ô nhiễm nơi đây. Những hôm trời nắng nóng, mùi hôi thối nồng nặc của phân gà không thể nào chịu nổi. Các con tôi còn nhỏ hàng ngày phải sống chung với mùi hôi thối đó, trước sau gì cũng sinh bệnh. Ở đây, phân gà được các trại gà tập kết thành nhiều đống ngay tại khu dân cư nhưng không có hệ thống và phương pháp xử lý. Không chịu nổi mùi hôi thối, gia đình nhà tôi gần như đóng cửa 24/24 giờ.Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với chủ trại gà nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi.

Đề cập vấn đề này, ông Đặng Minh Biên - Chủ tịch UBND phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) cho biết, khu vực Tổ dân phố 10 tập trung khoảng 10 trại gà quy mô lớn với hơn 16.000 con gà. Vấn đề ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Chính quyền địa phương nhiều lần cho cán bộ xuống kiểm tra, xử lý khử trùng và yêu cầu các trại gà chấp hành đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Theo ông Biên, chưa có trại gà nào bị xử phạt hành chính mà chủ yếu nhắc nhở để không tái phạm và cho biết, trong thời gian sớm nhất, phường Duy Tân sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng xuống kiểm tra để xử lý.

“Khi kiểm tra, nếu thấy các trại gà tập trung nơi đây không phù hợp thì chúng tôi sẽ tính đến phương án di dời đến nơi quy hoạch tập trung xây dựng trang trại chăn nuôi chứ không thể để tình trạng như vậy được”-ông Biên cho biết.

Bị xử phạt nhưng vẫn xả thải ra môi trường

Cũng như người dân Tổ dân phố 10, phường Duy Tân, nhiều người dân ở thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh đang phải chịu đựng môi trường bị ô nhiễm bởi cơ sở chăn nuôi gia súc. Cơ sở chăn nuôi lợn của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Loan tại khu dân cư không chỉ gây ô nhiễm, mà còn xả nước thải trực tiếp ra môi trường.

Trại gà gây ô nhiễm môi trường ở Tổ 10, phường Duy Tân. Ảnh: PN

 

Anh A.D (thôn Kon Tu 2) cho hay: Nhà tôi ở gần khu nuôi lợn này nên phải chịu đựng mùi hôi kinh khủng. Khi rửa chuồng, nước phân được chủ trại chăn nuôi cho xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm càng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng xử lý nghiêm và yêu cầu cơ sở này phải có giải pháp bảo đảm môi trường.

Trước tình trạng này, trong năm 2019, UBND phường Trường Chinh 2 lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với bà Nguyễn Thị Loan. Lần đầu vào tháng 4/2019, xử phạt 3 triệu đồng và lần 2 vào tháng 8/2019, phạt 4 triệu đồng. Cả 2 lần này bà Loan đều cam kết không vi phạm, nhưng sau đó mọi việc tái diễn, môi trường sống của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. 

Theo ông A Đưa - Phó Chủ tịch UBND phường Trường Chinh, chính quyền phường thường xuyên chỉ đạo cán bộ quản lý đến kiểm tra, yêu cầu bà Loan thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi nhưng bà Loan đều trả lời là đang làm thủ tục. Cho đến nay, bà Loan vẫn chưa thực hiện như cam kết, không khắc phục, thậm chí còn tiếp tục lắp đường ống thải trực tiếp ra môi trường (ra cánh đồng Chà Mòn) và đã bị lực lượng của phường phát hiện, bắt quả tang. 

“Điều đáng nói, 2 lần xử phạt bà Loan vẫn chấp hành nộp phạt đầy đủ và hứa sẽ khắc phục nhưng không thực hiện. Tôi nghĩ, do mức xử phạt nhẹ nên không đủ sức răn đe, cần nâng mức xử phạt đối với hành vi nêu trên”- ông A Đưa cho biết.

Trước sự cố tình không tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của bà Loan, ngày 13/2, UBND phường Trường Chinh có văn bản gửi lên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum để tham mưu cho UBND thành phố Kon Tum ra quyết định xử phạt theo quy định.

Ngày 18/2, UBND thành phố Kon Tum ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở chăn nuôi của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Loan (tại thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh) với tổng số tiền 7,5 triệu đồng với 4 hành vi vi phạm: không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra; không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, xả thải không qua xử lý ra môi trường; không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn và không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.

Người dân sống trong khu vực cơ sở chăn nuôi gia cầm, gia súc tại phường Duy Tân và Trường Chinh mong muốn ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.  

Ngày 26/2, UBND thành phố Kon Tum đã có văn bản yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND phường Duy Tân kiểm tra, xử lý nghiêm việc cơ sở nuôi gia cầm gây ô nhiễm môi trường tại Tổ dân phố 10, phường Duy Tân.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác