02/12/2019 13:03
Từ thông tin thất thiệt về việc trẻ em bị bắt cóc
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra những thông tin thất thiệt về việc bắt cóc trẻ em được một số cá nhân đăng trên mạng xã hội facebook. Những cá nhân đăng tải thông tin trên chỉ vì mục đích câu like hoặc chỉ nghe qua lời kể của ai đó, chưa được kiểm chứng đã vội vàng chia sẻ lên mạng xã hội, điều này gây hoang mang dư luận xã hội.
Theo ông Lê Quang Thới- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, vừa qua, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật về nạn bắt cóc trẻ em ở các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, thành phố Kon Tum…
Mới đây nhất là vào tối 26/11, tài khoản Facebook Khôi Nguyễn có đăng tải bài viết với nội dung, ngày 23/11, em A Hưk (11 tuổi, trú thôn 4, làng Kroong Klah, xã Kroong) đang đi chăn bò thì bị bắt cóc; A Hưk vùng vẫy nên thoát ra được. Tài khoản này khẳng định, đây là thông tin có thật và kêu gọi mọi người chia sẻ để cảnh giác. Lập tức thông tin trên trang cá nhân trên thu hút hơn 3.000 lượt chia sẻ cùng hàng ngàn lượt bình luận.
Công an xã Kroong (thành phố Kon Tum) khẩn trương vào cuộc, tiến hành xác minh làm rõ. Qua đó, biết được chủ tài khoản đăng tải thông tin trên là bà Nguyễn Thị Kim Khôi (38 tuổi, trú thôn 2, xã Kroong). Làm việc với cơ quan công an, bà Khôi thừa nhận chỉ nghe kể lại, chưa qua kiểm chứng và chụp ảnh A Hưk rồi đưa lên mạng xã hội.
|
Qua xác minh thực tế của Công an xã Kroong, sáng 23/11, A Hưk cùng bà Y Lơr (72 tuổi, bà nội A Hưk) và cháu A Quý (13 tuổi) đi chăn bò. Đến trưa, khi bà Y Lơr có việc phải đi, khi bà quay lại thì A Hưk bịa chuyện có 2 thanh niên đi xe máy tiếp cận A Hưk và A Quý. Sau đó 2 người này bắt A Hưk bỏ vào bao nhưng A Hưk vùng chạy thoát và trốn vào rừng. Nhưng vụ việc trên A Hưk bịa ra để bà Y Lơr sợ mà cho bò về nhà sớm.
Sau khi làm rõ vụ việc, Công an xã Kroong yêu cầu bà Khôi gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và đính chính; đồng thời nhắc nhở bà Khôi cần cẩn trọng khi đưa tin lên mạng xã hội. Công an xã Kroong cũng đã tiến hành họp các thôn trưởng, già làng, người có uy tín trong thôn để thông báo tin trên là sai sự thật và thông báo rộng rãi để nhân dân biết, tránh hoang mang.
Tương tự, trước đó, ngày 9/11, chủ tài khoản Facebook Ngoan Truong đăng tải nội dung thông tin bắt cóc như sau: “Thông báo khẩn cho người dân Đăk Tô được biết, sáng nay có 3 người phụ nữ lạ mặt mặc quần áo đen đã vào nhà lúc em đi chợ. Có 1 người vào tới phòng của em, định bồng con em ra ngoài. May mà có bé lớn nhà em phát hiện. Thế là người đó không nói gì và bỏ ra ngoài rồi lên xe đi. Con gái em chạy theo xem thì thấy 3 người này chạy xe SH màu đỏ, mọi người cẩn thận nhé.”. Ngay sau đó, tài khoản trên thu hút hơn 1.200 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận của người dùng mạng xã hội.
Nhận được thông tin, UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo Công an huyện Đăk Tô vào cuộc xác minh, điều tra. Qua xác minh, làm việc với chủ tài khoản facebook đăng nội dung trên và xác định đó là thông tin bịa đặt, sai sự thật. Sau đó, cơ quan chức năng tiến hành nhắc nhở, yêu cầu chủ facebook Ngoan Truong gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và đính chính thông tin đã đăng tải.
Đến tung tin bịa đặt về “sinh vật lạ”
Vào ngày 5/9, chủ tài khoản Zalo có tên Vinh Dat đăng tải hình ảnh về "sinh vật lạ", có hình thù giống người, toàn thân mềm như không có xương. Người này còn cho biết, bắt được loài sinh vật này trong lúc câu cá tại khu vực hồ Thủy điện Plei Krông (xã Kroong, thành phố Kon Tum), sau khi chụp hình thì người này lại đem thả "sinh vật lạ". Những thông tin này khiến người dân vừa tò mò, vừa hoang mang, bởi cho rằng có những điều mang tính huyền bí xảy ra trong đời sống.
Công an xã Kroong tiến hành xác minh thì hình ảnh "sinh vật lạ" mình sâu, mặt người chỉ là sản phẩm của “trò chơi photoshop”, là mô hình đồ chơi trên mạng xã hội.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng Công an xã Kroong (Công an thành phố Kon Tum) cho biết, thông tin trên địa bàn xảy ra vụ bắt cóc trẻ em và “sinh vật lạ” xuất hiện mà các mạng xã hội đăng tải thời gian qua là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật.
Theo ông Thịnh, mọi người khi sử dụng mạng xã hội nên cân nhắc, kiểm tra độ tin cậy trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin, tránh lan truyền những thông tin không chính xác, gây ra sự hoang mang trong xã hội.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp ngăn chặn, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần làm cho môi trường mạng thực sự hữu ích với mọi người.
Phúc Nguyên