Cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội

10/08/2020 06:05

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn dai dẳng, đặc biệt là đối với những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin và cả thế hệ con cháu của họ. Vượt lên nỗi đau ấy, những nạn nhân da cam và gia đình họ đã tự lực khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vượt lên nỗi đau

Trời mưa như trút nước, căn nhà tạm của anh A Tua, làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy như muốn ngả nghiêng hơn. Không may mắn bởi ngay từ khi sinh ra, đôi chân anh không được khỏe mạnh, linh hoạt như mọi người. Đây là di chứng chất độc da cam/dioxin mà cha anh nhiễm phải khi tham gia chống Mỹ ở chiến trường Kon Tum. Cuộc sống của anh hiện chỉ trông chờ vào nguồn trợ cấp hằng tháng của nhà nước theo chế độ con đẻ của người trực tiếp tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học.

Mặc dù không nằm trong chương trình tình nguyện, nhưng khi chứng kiến những khó khăn mà anh A Tua đang trải qua, lực lượng tình nguyện của Huyện đoàn Sa Thầy, Công an tỉnh, Đồn Biên phòng Rờ Kơi đã chung tay, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp vật liệu, đồ dùng sinh hoạt để hỗ trợ anh A Tua sửa chữa nhà và phối hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ anh học nghề, tạo kế sinh nhai cho bản thân. Sự quan tâm, sẻ chia này đã giúp anh có thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống, căn nhà đã không còn vẻ lạnh lẽo, ảm đạm, thay vào đó là sự ấm áp của tình người, tình quân dân nơi biên giới.

Anh A Tua nói: Tôi rất xúc động và cảm ơn các bạn đoàn viên, cán bộ chiến sĩ bộ đội, công an đã giúp tôi sửa lại nhà, tặng ti vi, đồ dùng sinh hoạt, tôi sẽ cố gắng nỗ lực trong cuộc sống.

Trao quà cho gia đình anh A Tua, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Ảnh: MT

 

Gia đình cựu chiến binh A Hiền, làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy có 3 người là nạn nhân chất độc da cam. Vượt lên nỗi đau về bệnh tật, gia đình ông đã vươn lên trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Chiến tranh đã qua đi hơn 45 năm, nhưng nỗi đau đớn và ám ảnh khôn nguôi về hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn ngày đêm dày vò hàng triệu gia đình Việt Nam. Tại tỉnh ta, những điểm nóng về chất độc da cam như đồi Sạc Ly, xã Sa Nghĩa, xã Rờ Kơi… vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người mỗi khi nhắc đến. Tuy nhiên, những nạn nhân và gia đình họ đã không đầu hàng số phận, nỗ lực vươn lên, gieo mầm ước vọng giữa vùng đất khô cằn, khó khăn ấy.

Cần hơn nữa sự chia sẻ

Là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Kon Tum, huyện Sa Thầy có khoảng 800 người bị ảnh hưởng chất độc da cam (hơn 300 trường hợp bị ảnh hưởng nặng, 130 đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng, còn lại là những người ảnh hưởng nhẹ).

Những năm qua, cùng với các chính sách của Nhà nước, huyện Sa Thầy đã có nhiều giải pháp quan tâm, chăm lo đời sống mọi mặt cho nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, trong đó chú trọng giải pháp nâng cao đời sống cho các nạn nhân và gia đình như tạo điều kiện vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, ưu tiên các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, học nghề, giải quyết việc làm cho con của các đối tượng. Do vậy, đến nay hầu hết các gia đình đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Lượng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Sa Thầy: Thực tế vẫn còn nhiều trường hợp chưa giải quyết được. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong khâu làm hồ sơ. Vì vậy, đơn vị tiếp tục kiến nghị với các ngành chức năng xem xét giảm bớt một số thủ tục không còn phù hợp để đảm bảo các đối tượng sớm được hưởng chính sách của Nhà nước.

Giải quyết hậu quả chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc đối với những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Chính vì vậy mỗi chúng ta cần tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực chung tay giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với nạn nhân chất độc da cam/dioxin để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mạnh Thắng

Chuyên mục khác