Cần sớm hỗ trợ cho lao động làm gạch thủ công

18/08/2020 06:05

Thực hiện chủ trương phát triển vật liệu xây không nung, thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân làm gạch thủ công chấp hành đóng cửa lò gạch, không có việc làm ổn định, chật vật để lo cho gia đình và trang trải nợ nần. Vì vậy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ.

Giữa năm 2019, nhận được thông báo đóng cửa lò gạch thủ công, gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Nghĩa Dũng, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy như “ngồi trên đống lửa” nhưng đành ngậm ngùi thực hiện, dù số nợ hơn 300 triệu đồng để đầu tư làm gạch chưa trả xong. “Xóa bỏ lò gạch thủ công là việc cần thiết để giảm lượng khói, bụi, đảm bảo môi trường sống…, nên gia đình chúng tôi chấp hành. Nhưng sau đó, đời sống gia đình chúng tôi cũng trở nên chật vật. Vợ chồng tôi già rồi, không biết làm gì để trả nợ ngân hàng. Tôi lo lắng lắm!” - ông Minh ngậm ngùi chia sẻ.

Vừa qua, được UBND xã ủy thác, ông Minh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy và bỏ thêm tiền để trồng cỏ, mua bò về chăn nuôi. “Việc chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc lò công nghệ tiên tiến khác đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi đó, gia đình tôi khó khăn nên không có đủ tiềm lực để phát triển. Trước mắt, thất nghiệp, chúng tôi phải tìm hướng chăn nuôi để lo cho cuộc sống. Nhưng về lâu dài, chăn nuôi vài con bò không thể nào đủ xoay xở” - ông Minh bày tỏ. 

Ông Đỗ Năm Châu ở thôn Nghĩa Dũng (xã Sa Nghĩa) cũng lao đao khi phải ngưng sản xuất gạch thủ công. Đóng cửa lò gạch, gia đình ông chỉ còn biết trông chờ vào 2 sào lúa cũng như đi làm thuê để trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Minh trồng cỏ, nuôi bò để trang trải chi phí trong cuộc sống. Ảnh: H.T

 

“Chính quyền cũng thông báo và động viên gia đình chúng tôi nhiều. Chúng tôi hiểu việc cần thiết phải đóng cửa lò gạch nên chấp hành gần 1 năm nay. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào lò gạch, giờ không hoạt động, gia đình tôi khó khăn lắm. Chúng tôi mong muốn được vay vốn với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi sang việc trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế và trả nợ” - ông Châu chia sẻ.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hận - Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa cho biết,  xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn.

“Hiện tại, 3 hộ đã được vay 160 triệu đồng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, số tiền trên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Về phía chính quyền, chúng tôi mong muốn có nguồn ngân sách trực tiếp để hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề cũng như hỗ trợ di dời, xóa bỏ lò gạch, giúp người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế trong thời gian tới” - ông Hận chia sẻ.

Tại xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) vẫn còn hơn 140 hộ gia đình tiếp tục sản xuất gạch thủ công. Ông Phạm Phước - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, 2 năm trở lại đây, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với UBND xã thông báo, tuyên truyền cho người dân làm lò gạch thủ công dừng hoạt động, tiến đến đóng cửa hoàn toàn các lò gạch thủ công vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, qua quá trình thông báo, đến nay, bà con vẫn hoạt động cầm chừng, chờ sự hỗ trợ.

“Về phía xã, chúng tôi cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ để giúp người dân vượt qua khó khăn cũng như có điều kiện để chuyển đổi công việc, phát triển kinh tế. Có như vậy, mới có thể chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất gạch thủ công trong năm 2020” - ông Phạm Phước cho biết.

Bên cạnh đó, hiện tại, xã Hòa Bình có khoảng 500 lao động làm việc tại các lò gạch, đa số là phụ nữ, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo… Khi đóng cửa các lò gạch, số lao động trên sẽ thất nghiệp, cuộc sống của các gia đình đã khó càng thêm khó. Bởi vậy, việc sắp xếp, giải quyết việc làm cho người lao động cũng là vấn đề cần quan tâm.

Tương tự, tại phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) hiện có 67 lò gạch thủ công. Trong đó, đến nay đã có 23 lò dừng hoạt động, 6 lò hoạt động cầm chừng chờ chuyển đổi ngành nghề và 38 lò vẫn đang hoạt động thường xuyên. Ông Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy phường Ngô Mây cho hay địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho bà con. 

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển gạch không nung, từng bước thay thế gạch thủ công, tiến tới chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, ngày 7/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 584-KH/UBND về việc phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương trên, cần tiếp tục có những giải pháp cụ thể hỗ trợ các cơ sở, hộ cá thể sản xuất gạch đất sét nung thủ công từng bước chuyển đổi ngành nghề, đầu tư dây chuyền sản xuất mới phù hợp, ổn định cuộc sống sau khi đóng cửa lò.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác