Cần sớm đưa nhà máy chế biến cà phê vào hoạt động

23/07/2021 06:15

Dự án nhà máy chế biến cà phê tươi và khô được đầu tư xây dựng ngay tại xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei) không chỉ làm cho người dân trong xã mà cả người dân ở các xã lân cận vui mừng vì cà phê của họ làm ra sẽ có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá. Thế nhưng niềm vui đến nay vẫn chưa thành hiện thực bởi nhà máy xây xong vẫn “đắp chiếu” chưa hoạt động. Người dân nơi đây vẫn đang mòn mỏi mong đợi...

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1034/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tươi và khô của Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Cao Nguyên tại thôn La Lua (xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei). Nhà máy có công suất thiết kế chế biến cà phê tươi là 100 tấn/ngày, chế biến khô 80 tấn/ngày. Diện tích mặt đất sử dụng của dự án là gần 9.390m2. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2018. Trong suốt quá trình đầu tư dự án, chính quyền xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai. Tuy nhiên, sau khi nhà máy lắp ráp xong dây chuyền sản xuất đầu năm 2020 thì đóng cửa cho đến nay. Hiện nay, đơn vị đang thuê một người dân ở xã Đăk Choong trông coi, bảo vệ, còn nhà máy thì vẫn “cửa đóng then cài” trong niềm mong mỏi của người dân.

Theo ông A Thương - bảo vệ nhà máy thì từ tháng 10/2020 đến nay chưa thấy ai trong Công ty lên thăm nhà máy. 

Nhà máy chế biến cà phê cửa đóng then cài. Ảnh: P.N

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Đăk Choong, nơi xây dựng nhà máy là địa phương có diện tích cà phê xứ lạnh lớn nhất huyện Đăk Glei. Toàn xã hiện có gần 460 ha, với năng suất bình quân hơn 9 tấn/ha. Trong niên vụ cà phê năm 2020 người dân chờ đợi nhà máy thu mua nhưng không thấy nên sau đó đành phải bán cho thương lái với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Điều đáng nói, từ khi có chủ trương xây dựng nhà máy, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân tại xã Đăk Choong và các xã lân cận phát triển mạnh diện tích cà phê để vừa nhằm tạo vùng nguyên liệu, vừa lấy đó làm cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, diện tích cà phê toàn huyện Đăk Glei đã phát triển lên đến 1.730 ha cà phê, trong đó, riêng cà phê xứ lạnh có gần 1.200 ha. Rõ ràng việc nhà máy xây xong chưa đi vào hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và tâm lý sản xuất của người dân trên địa bàn.

Trước tình trạng đó, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, người dân ở các xã như Đăk Choong, Xốp… đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương sớm đưa nhà máy vào hoạt động nhưng đến nay, nhà máy vẫn “cửa đóng then cài”.

Ông Trần Ngọc Khoan - thôn Bê Rê (xã Đăk Choong) cho biết: Ở đây, mùa thu hoạch cà phê thường vào mùa mưa nên người dân không phơi được. Thương lái biết rõ điều này đã lợi dụng, thường xuyên ép giá khi thu mua. Vì vậy, khi thấy nhà máy được xây dựng, tôi và bà con nơi đây ai cũng vui mừng và mong chờ nhà máy sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để sản phẩm của người dân làm ra bán đúng giá, nâng cao thu nhập. Vậy mà không hiểu sao, nhà máy xây dựng xong đã lâu mà không thấy hoạt động. 

Anh A Van - thôn Mô Man (xã Đăk Choong) cho hay, thấy nhà máy đã xây dựng xong 2 năm nhưng vẫn không hoạt động nên bà con cũng hơi lo, sau này không biết cà phê bán ở đâu, chẳng lẽ lại bán theo kiểu cũ cho thương lái với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Từ năm ngoái đến nay, bà con cũng ít ai dám mạnh dạn phát triển thêm diện tích.

“Bà con trong xã Đăk Choong chúng tôi rất mong muốn nhà máy sớm đi vào hoạt động để người dân vừa không phải bán giá thấp mà có đầu ra cũng như giá cả ổn định. Như vậy, chúng tôi mới tập trung vào phát triển diện tích cà phê, hạn chế phát triển diện tích mì…” - Anh A Men (thôn Mô Man) kiến nghị.

Bà Đinh Thị Y Ngọc- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei cho biết: Sau khi có ý kiến của cử tri và được sự ủy quyền của UBND huyện, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với lãnh đạo Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên. Trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo công ty nói do dịch Covid-19 việc xuất khẩu cà phê của đơn vị bị tồn đọng, nên chưa đưa nhà máy vào hoạt động được. Đồng thời, đơn vị này cũng hứa sẽ sớm đưa nhà máy vào hoạt động sau khi dịch bệnh ổn định trở lại.

Hơn lúc nào hết, người dân trồng cà phê xứ lạnh ở xã Đăk Choong nói riêng, các xã khác của huyện Đăk Glei nói chung mong muốn đơn vị chủ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tươi và khô trên địa bàn cần sớm đưa nhà máy vào hoạt động để người dân yên tâm sản xuất và tiếp tục phát triển diện tích cà phê tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Qua đó, giúp cà phê của người dân có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.   

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác