Cần quản lý và khai thác tài nguyên nước hiệu quả hơn

18/02/2022 13:03

Bên cạnh một số nguyên nhân khác như tình trạng mất rừng và xây dựng các công trình thủy điện, thời gian qua, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu hợp lý đã khiến nguồn nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu và sinh hoạt tại tỉnh Kon Tum suy giảm nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng trạng trên, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn.

Những năm gần đây, tình trạng suy kiệt nguồn nước diễn ra tại nhiều địa phương. Lượng nước ở các ao, hồ, sông, suối giảm mạnh. Mặt khác, do rừng bị suy kiệt, tình trạng khoan giếng, khai thác mạch nước ngầm tràn lan để phục vụ cây nông nghiệp khiến nguồn nước ngầm bị suy kiệt trầm trọng.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn và khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, tỉnh đã thực hiện giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nước sạch.

UBND tỉnh đã phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước các công trình đã cấp giấy phép khai thác, sử dụng phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (Quyết định 1264/QĐ-UBND ngày 15/11/2018); phê duyệt Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh (Quyết định 21/2019/QĐ-UBND).

Một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh cạn kiệt vào mùa khô. Ảnh: XB 

 

Theo đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện; tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, nhà máy chế biến, đặc biệt là các cơ sở sản xuất chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT triển khai thực hiện các bước công việc tiếp theo; tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia (nước mặt) và xây dựng, ban hành Danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 197 hồ, ao thuộc Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT công bố Danh mục đã được phê duyệt; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trên địa bàn thực hiện, và thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, Luật Tài nguyên nước năm 2012 xác định tài nguyên nước là tài sản, là nguồn lực chung của quốc gia và phải được quản lý thống nhất. Luật đã bổ sung nhiều biện pháp, chế tài để bảo vệ tài nguyên nước, gắn bảo vệ tài nguyên nước với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra; bảo vệ tài nguyên nước gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các dòng sông, định hướng áp dụng cơ chế thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đến nay, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước…

Tuy nhiên, qua gần 10 năm tỉnh ta triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, do nguồn lực có hạn nên vẫn còn những hạn chế cần giải quyết trong thời gian tới. Đó là mạng lưới trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đánh giá số lượng, chất lượng và dự báo diễn biến tài nguyên nước; chưa điều tra, đánh giá sức chịu tải và phân vùng chất lượng nước và Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên các lưu vực sông.

Mặt khác, nhận thức của doanh nghiệp, người dân về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước vẫn còn hạn chế. Nhân lực, nguồn lực trong lĩnh vực tài nguyên nước ở các địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực của xã hội tham gia bảo vệ và phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Bên cạnh đó, thẳng thắn nhìn nhận, công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước của các ngành chức năng đôi lúc cũng chưa được thường xuyên; chưa có tổ chức thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước, lực lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, chuyên môn còn hạn chế nên công tác thanh tra, kiểm tra chưa được sâu sát và hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu thực tế...

Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương, cùng với sự tăng cường nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn trong trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.    

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác