Cần quản lý tình trạng trẻ em ăn xin, bán hàng rong

15/03/2023 06:01

Hiện nay, tình trạng trẻ em ăn xin, bán hàng rong trên địa bàn thành phố Kon Tum ngày càng phổ biến. Điều này cho thấy công tác quản lý còn rất nhiều khó khăn.

Từ sáng sớm, Y Nhi (thôn Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) đã lỉnh kỉnh mang chiếc mâm nhôm tròn chứa đầy tép rong ruổi khắp tuyến đường quanh khu vực chợ Trung tâm thương mại.

Thấy tôi đang ngồi cà phê cùng các đồng nghiệp, cô bé mạnh dạn lân la đến mời: “Chú mua tép đi chú, 15 nghìn đồng 1 lạng”.

Trò truyện ngắn vài câu, Y Nhi cho biết đang học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc. Hôm nay nghỉ học buổi sáng nên phụ mẹ bán cho hết số tép mà cả nhà dày công đi bắt. Nhi không nhớ mình bắt đầu bán hàng rong từ khi nào, chỉ biết từ khi còn rất nhỏ đã cùng chị và mẹ bon chen khắp chợ. Gia đình khó khăn, ba mất sớm, thương mẹ, Nhi phải làm việc khi chưa đủ tuổi lao động.

Y Nhi cho biết: Cháu đã quen với việc bán hàng rong, ngày nào được nghỉ học cháu đều đi bán. Số tiền cháu bán được đều đưa cho mẹ lo việc gia đình, nuôi các em ăn học. Không chỉ có mình cháu bán hàng rong mà một số bạn trong làng cũng đi bán, gia đình các bạn đều khó khăn nên cần tiền để mưu sinh.

Nhiều trẻ em phải bán rong mưu sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ảnh: V.T

 

Cũng bán hàng rong ngoài chợ, Y Sun ở thôn Kon Hra Chót (phường Thống Nhất) tay xách nách mang nhiều túi khoai lang đi mời người mua. 13 tuổi, nhưng trông Y Sun già dặn hơn các bạn cùng trang lứa, có lẽ vì đã nghỉ học từ năm trước để phụ bố mẹ gồng gánh nuôi gia đình.

Y Sun cho biết: Nhà có 6 anh chị em, bố mẹ đều làm nông để nuôi các anh chị em. Năm ngoái, cháu đang học lớp 7, thấy gia đình khó khăn nên cháu nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ bằng cách bán hàng rong. Củ lang là của nhà trồng, sau đó anh chị em chia nhau đi bán, mỗi ngày được khoảng 100 nghìn đồng. Số tiền bán được đưa mẹ để dành lo cho gia đình.

Y Nhi và Y Sun là 2 trong số rất nhiều em nhỏ bán hàng rong, đi làm thuê để kiếm tiền mưu sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều trường hợp trẻ em đi ăn xin tại các quán ăn, cà phê để phục vụ mục đích tiêu xài cá nhân.

Tôi nhớ có lần đang ngồi ăn cùng đám bạn ở quán trên đường Đoàn Thị Điểm, một cậu bé mặt mũi lấm lem, đôi mắt lờ đờ như thiếu ngủ đến gần bàn, ngửa tay nói “Cô chú cho con xin tiền ăn tối, con đói bụng quá”. Trong bàn có nhiều phụ nữ đã có gia đình, nghe cậu bé nói, họ cảm thông, ân cần hỏi thăm, sau đó cũng cho em ít tiền đi ăn uống.

Công tác quản lý tình trạng trẻ ăn xin, bán hàng rong còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: VT

 

Lát sau, anh chủ quán đưa món đến bàn tôi rồi cười: Cho tiền mấy đứa nhỏ đó làm gì, ngày nào không đến đây xin tiền, chúng nó chơi game hết đó, quán game phía bên kia đường. Mấy đứa này gia đình không quản lý chặt chẽ, đi học toàn trốn chơi game, không chịu về nhà.

Chủ quán rời đi, chúng tôi mới biết mình đã bị “lừa”, lòng tốt đặt không đúng chỗ vô tình tiếp tay “hại” những đứa trẻ kia. Cũng có nhiều lần, tôi thấy người lớn địu con, hoặc dắt theo những đứa nhỏ, những em bị khuyết tật rong ruổi khắp các quán. Tôi không biết những đứa trẻ đó có phải là con cháu của họ không, hay chỉ là “công cụ” để lợi dụng lòng thương của người khác để kiếm tiền.

Theo quy định của pháp luật, hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối các hành vi cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống hay lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi.

Trước thực trạng trên, thành phố Kon Tum đã có Công văn số 570/UBND-VX yêu cầu UBND các xã, phường khẩn trương thực hiện kiểm tra, rà soát tình trạng trẻ em ăn xin, trẻ em bán hàng rong, trẻ em làm thuê các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố để kịp thời có biện pháp can thiệp, xử lý, giải quyết, hỗ trợ, không để tình trạng này xảy ra trên địa bàn quản lý. Trường hợp phát hiện, phải khẩn trương tìm hiểu hoàn cảnh gia đình trẻ em, đề xuất các giải pháp phù hợp để xử lý tình trạng trên.

Ông Phạm Văn Dũng – Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết: Thực hiện công văn của UBND thành phố, UBND phường đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tiến hành ra soát các em học sinh bỏ học, thường xuyên nghỉ học để đến nhà vận động gia đình cho các em đi học, không được ở nhà bán hàng rong. Đối với các em ăn xin, lang thang cơ nhỡ, phường chỉ đạo cán bộ văn hoá kiểm tra, rà soát, phối hợp với gia đình vận động đưa các em về nhà, đối với các em không nơi nương tựa, phường sẽ làm các thủ tục đưa các em về Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh. Cùng với đó, phường sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở có sử dụng lao động, nếu sử dụng lao động chưa đủ độ tuổi sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phường gặp rất nhiều khó khăn bởi đa số các em bán hàng rong, xin ăn đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, các em phải phụ giúp bố mẹ để có tiền mưu sinh, bươn trải cuộc sống nên chúng tôi rất khó xử lý” – ông Dũng bộc bạch. 

Văn Tùng

Chuyên mục khác