Cần nhanh chóng mở rộng lối đi chung cho người dân

22/02/2022 06:03

Vừa qua, Báo Kon Tum nhận được đơn kiến nghị của 9 hộ dân ở thôn Nghĩa Dũng, xã Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy) phản ánh lối đi chung của 9 hộ dân và 16 hộ dân có đất sản xuất ở khu vực này từ trước đến nay rộng 3 mét. Tuy nhiên, kể từ khi xã Sa Nghĩa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 thì lối đi chung bị thu hẹp lại chỉ còn 2 mét do hộ gia đình của ông Đỗ Văn Tới ở đầu đường xây tường rào khiến người dân ở đây rất khó khăn trong việc vận chuyển hàng nông sản, vật liệu xây dựng..., vì đường vào quá hẹp. 
Các hộ dân bức xúc trình bày với phóng viên Báo Kon Tum. Ảnh: ĐV

 

Theo đơn trình bày của các hộ dân ở thôn Nghĩa Dũng, xã Sa Nghĩa, năm 1987 toàn bộ khu vực này nằm trong dự án trồng tiêu của UBND xã Sa Nghĩa, sau đó mô hình trồng tiêu thất bại. Đến năm 1989, chuyển qua trồng cây sả nhưng  sau đó trồng sả cũng thất bại nên đến năm 1992 chuyển qua trồng quế. Tuy nhiên, mô hình trồng quế cũng không thành công nên các hộ dân đã xin phép xây dựng nhà ở và được UBND xã Sa Nghĩa chấp thuận. Ở thời điểm này, hiện trạng con đường rộng trên 3 mét, xe chở cây giống, phân bón, sản phẩm nông sản sau khi thu hoạch ra vào thoải mái.

Bức tường rào gia đình ông Đỗ Văn Tới xây dựng làm hẹp lối đi chung. Ảnh: ĐV

 

Đến năm 2003, khi các hộ dân này được cấp quyền sử dụng đất, con đường này vẫn có thể hiện trong hồ sơ rộng 3 mét. Đến năm 2019, khi làm đường bê tông dẫn vào khu vực sản xuất, trong đó có nhà ở của 9 hộ dân để xã Sa Nghĩa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì con đường rộng chỉ còn 2 mét do hộ gia đình ông Đỗ Văn Tới và bà Trần Thị Hồng cho rằng 1 mét đất đường đi còn lại là của gia đình mình. Vì vậy, sau khi làm đường bê tông xong chưa lâu, gia đình ông Đỗ Văn Tới và bà Trần Thị Hồng đã xây một bức tường gạch kiên cố làm con đường bị hẹp lại, các phương tiện xe cơ giới không thể ra vào. Bức xúc trước sự việc trên, các hộ dân đã không ít lần làm đơn gửi đến các cấp chính quyền đề nghị xem xét, giải quyết việc bị cản trở, gây khó khăn khi sử dụng đường đi chung. Thế nhưng, đã gần 3 năm trôi qua sự việc vẫn chưa có hồi kết.

Đại diện các hộ dân, ông Lê Đưa bức xúc cho biết: Gia đình chúng tôi làm nhà và sinh sống ở đây từ năm 1996. Hàng chục năm nay, xe tải chở phân bón, hàng nông sản, vật liệu xây dựng... ra vào con đường này thoải mái. Nhưng kể từ khi gia đình ông Đỗ Văn Tới xây tường rào ở ngay đầu đường làm cho con đường này hẹp lại, xe không thể ra vào được. Mỗi khi bà con có hiếu hỷ, ma chay, cưới hỏi, xây dựng nhà cửa... xe ô tô không thể nào vào được. Cách đây chưa đầy 100 ngày, có người bị đột quỵ nhưng xe cứu thương không vào cấp cứu kịp nên đã tử vong. Cuộc sống của hộ dân ở đây hầu hết còn khó khăn, nhưng chúng tôi cũng đã nhiều lần thương lượng với gia đình ông Tới để mua thêm 1 mét đất tạo thuận lợi cho việc đi lại nhưng gia đình ông Tới không bán, không cho và cũng không hiến.

Cùng chung nỗi bức xúc trên, ông Đỗ Văn Thông cho biết: Gia đình tôi được UBND xã Sa Nghĩa đưa về đây tái định từ năm 1994 do xây dựng hồ thủy lợi Đập 3. Khi đó, đường sá ra vào rộng rãi, nhưng đến nay, gia đình ông Tới xây tường rào khiến gia đình tôi và các hộ dân khác rất khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Ông Dương Quang Phục- Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, vấn đề này UBND huyện Sa Thầy đã giao cho các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết đơn kiến nghị của bà con. Qua xem xét thấy nguyện vọng của bà con nơi đây đề nghị mở rộng tuyến đường này là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc đầu tư tuyến đường này (có chiều dài 192 mét) chỉ được thực hiện khi đảm bảo theo quy hoạch nông thôn của xã; trong khi đó quy hoạch chung xã Sa Nghĩa giai đoạn 2011-2020 chưa quy hoạch tuyến đường này và đến nay đã hết kỳ quy hoạch. Hiện nay, UBND huyện Sa Thầy đang tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan xem xét hỗ trợ kinh phí và cho chủ trương thực hiện lập quy hoạch của 9 xã khu vực nông thôn trên địa bàn huyện, trong đó có xã Sa Nghĩa. Sau khi được cấp thẩm quyền hỗ trợ kinh phí và cho chủ trương thực hiện, UBND huyện Sa Thầy sẽ chỉ đạo UBND xã Sa Nghĩa thực hiện.

Như vậy, trong thời gian chờ các cấp, các ngành bổ sung tuyến đường này vào quy hoạch và đầu tư xây dựng, các hộ dân mong muốn các cấp, các ngành cần tiến hành tổ chức vận động, thuyết phục tháo dỡ hàng rào này nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, canh tác, đảm bảo an ninh khu vực nông thôn.

Đắc Vinh

Chuyên mục khác