“Cần mở rộng, thực hiện bình đẳng giới đa chiều”

15/10/2018 13:04

​Trong 9 tháng đầu năm 2018, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhằm đánh giá cụ thể những kết quả nổi bật và chỉ rõ những hạn chế, bất cập phát sinh mới để có giải pháp hành động hiệu quả hơn, phóng viên Báo Kon Tum đã có cuộc phỏng vấn đồng chí A Kang-Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh một số vấn đề liên quan đến nội dung này.

Phóng viên: Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, đồng chí có đánh giá như thế nào về công tác triển khai các mục tiêu kế hoạch bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2018?

Đồng chí A Kang: 9 tháng đầu năm nay, các sở, ngành của tỉnh và địa phương đã triển khai thực hiện khá tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao.

Ở các địa phương, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đã tổ chức thường xuyên hơn công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ với gần 200 hoạt động thông tin truyền thông, hội thảo, tọa đàm vì sự tiến bộ phụ nữ và biểu dương gương phụ nữ điển hình trên các lĩnh vực trong cuộc sống và trong công tác xã hội.

Đồng chí A Kang chủ trì cuộc họp đánh giá công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ 9 tháng đầu năm 2018. Ảnh: M.T

 

Ngoài ra, cấp huyện còn phối hợp sở, ngành tiếp tục quản lý, duy trì và mở rộng hoạt động hiệu quả của 55 mô hình thí điểm, câu lạc bộ, nhóm về bình đẳng giới, địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực giới, bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Những hoạt động tích cực trên đã góp phần thực hiện đạt nhiều mục tiêu về bình đẳng giới đã đề ra như: 23,1% tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp ủy đảng, tăng 1% so với cuối năm 2017; nữ giới được tạo việc làm mới là 267 người, tăng 11,3%; nữ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật là 43%, tăng 0,5%; tỷ lệ nữ giới biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn đạt 95,5%, tăng 0,4%; tỷ lệ nữ giới được chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt 86,5%; công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm bình đẳng giới ở nữ trong lĩnh vực văn hóa và thông tin đạt 40%...

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ có gặp những khó khăn, bất cập  gì không thưa đồng chí?

Đồng chí A Kang: Nhìn tổng thể, quá trình triển khai công tác thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ có sự thuận lợi hơn so với năm 2017. Tuy nhiên, quá trình theo dõi, phản ánh từ các sở, ngành vẫn còn phát sinh một số bất cập mới. Chẳng hạn như ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công tác vận động học sinh đến trường đã đạt 98%, nhưng vẫn có bất bình đẳng giới ở chỗ tỷ lệ nữ đến trường có chiều hướng tăng cao hơn nam giới từ bậc mầm non đến THPT (nữ sinh theo học mầm non đạt 48,38%, tiểu học đạt 48,95%, THCS đạt 50,7%, THPT đạt 57,77%); tỷ lệ học sinh nữ các cấp phổ thông bỏ học ít hơn học sinh nam (các em nữ bậc tiểu học bỏ học là 20,45%, THCS là 32,64%, THPT là 32,64%). Hay như ở lĩnh vực y tế, tỷ số giới tính khi sinh cũng bất bình đẳng về giới: 107,7 trẻ em nam/100 trẻ em nữ...

Ngoài ra số liệu tổng hợp của một số ngành chức năng trong tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 91 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, thì nạn nhân là nữ giới chiếm tới 95%. Thế nhưng, thực tế phản ánh vẫn có không ít trường hợp nạn nhân bị bạo hành là nam giới, xong nhiều trường hợp vì sĩ diện, vì mặc định là “phái mạnh” nên đối tượng đã im lặng khi bị vợ đánh, bị hắt hủi…

Phóng viên: Với trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, đơn vị có đề xuất gì để giảm thiểu về sự bất bình đẳng giới ở một số chỉ tiêu liên quan, cũng như đẩy mạnh các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ trong thời gian tới ?

Đồng chí A Kang: Sắp tới, đơn vị sẽ có văn bản tham mưu Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đề nghị các thành viên liên quan tổ chức khảo sát, có đánh giá nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới rơi vào ở một số lĩnh vực như trên; từ đó, giúp cho tỉnh tổ chức các công tác truyền thông, triển khai hoạt động bình đẳng giới đa dạng hơn về nhóm đối tượng theo giới tính nam (hoặc nữ) và theo độ tuổi...

Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tham mưu tỉnh đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Kế hoạch hành động “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020”; Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Để thực hiện có hiệu quả công tác trên, các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể cần quan tâm, tăng cường nhiều hơn nữa sự chỉ đạo, giám sát các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm đối với công tác bình đẳng giới, công tác phụ nữ gắn với triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của từng địa phương.

Đặc biệt, hàng năm, các cấp lãnh đạo địa phương, sở ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với thái độ cầu thị, giải quyết kịp thời các vướng mắc; tham gia tích cực vào việc ban hành chính sách mới phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đáp ứng nguyện vọng, lợi ích về bình đẳng giới; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với phụ nữ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân đang nuôi con nhỏ nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về cơ hội phát triển của phụ nữ giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Mai Trâm (thực hiện)

 

 

Chuyên mục khác