Cần làm tốt công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh

23/10/2019 06:22

Giải pháp để quản lý người lao động nước ngoài là cần thực hiện đúng các quy định hiện hành; chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn và các trường hợp vi phạm cần xử lý thật nghiêm.

Vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và lực lượng Công an tỉnh Kon Tum đột kích vào nhà xưởng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên (tại khu Làng nghề thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) khống chế và bắt quả tang 7 đối tượng (đều là người nước ngoài) đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy khiến dư luận ở tỉnh Kon Tum không khỏi quan tâm, lo ngại. Vụ việc trên, thêm một lần nữa đặt ra yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý người nước ngoài lao động, làm việc trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương…

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, tuy số lượng không nhiều, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn có lao động nước ngoài đến làm việc. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp đăng ký giấy phép cho 11 lao động người nước ngoài và chỉ có 7 lao động được cấp giấy phép, 4 người còn lại không được chấp thuận cấp giấy phép lao động. Đó là chưa kể số lao động chưa được các doanh nghiệp đăng ký theo quy định.

Cũng theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động người nước ngoài làm việc tại địa bàn tỉnh chủ yếu là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật. Nguồn lao động này góp phần bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được. Đây là điều kiện thuận lợi để lao động Việt Nam học tập kinh nghiệm làm việc.

Tuy nhiên, ngoài thuận lợi trên, thì việc quản lý người nước ngoài lao động tại địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thế Vũ- Trưởng phòng Lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, việc quản lý lao động người nước ngoài còn nhiều bất cập. Công tác phối hợp trong việc quản lý lao động là người nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời và thiếu sự đồng bộ. Chính quyền các huyện, thành phố chưa quan tâm lắm đến tình hình người lao động nước ngoài làm việc tại địa phương.

Lễ đón nhận thư khen của Thủ tướng Chính phủ cho chuyên án triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: XB

 

Theo quy định, người nước ngoài làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần phải xin cấp giấy phép lao động đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp, nhà thầu trong nước và nước ngoài lợi dụng để đưa lao động phổ thông vào làm việc trong các doanh nghiệp với số lượng lớn. Các doanh nghiệp lợi dụng quy định đó để không làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động. Bên cạnh đó, vẫn còn một số lao động nước ngoài thuộc diện cấp phép lao động khai báo chậm với cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, mức xử lý đối với các hành vi vi phạm về cấp giấy phép lao động còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Đó là những nguyên nhân khách quan làm cho công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn còn bất cập, hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với việc quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại địa phương chưa thực sự thường xuyên, liên tục dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất. Công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài còn hạn chế.

“Có rất nhiều cơ quan quản lý về người nước ngoài lao động tại địa phương trong đó có Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Công an, Bộ đội Biên phòng, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch… Tuy nhiên, mỗi cơ quan quản lý về một mảng khác nhau, trong khi đó công tác phối hợp trao đổi thông tin trong việc quản lý lao động là người nước ngoài giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, thiếu sự đồng bộ; vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định về tuyển dụng, sử dụng người nước ngoài gây khó khăn cho công tác quản lý”-ông Trần Thế Vũ cho chúng tôi biết thêm.

Theo ông Trần Thế Vũ, giải pháp để quản lý người lao động nước ngoài là cần thực hiện đúng các quy định hiện hành; chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn và các trường hợp vi phạm cần xử lý thật nghiêm. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về lao động người nước ngoài trong quá trình cấp phép và công tác quản lý. Đồng thời, phối hợp và yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động người nước ngoài, chủ đầu tư, nhà thầu nghiêm túc khai báo, báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động người nước ngoài tại đơn vị; những đơn vị không thực hiện nghiêm thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật…

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác