Cần “gỡ vướng” trong triển khai 2 nhóm TTHC liên thông

05/12/2023 14:05

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú -Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử -Xóa đăng ký thường trú -Trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng”.

Ngày 24/8/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2762/KH-UBND  triển khai 2 nhóm TTHC liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú -Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử -Xóa đăng ký thường trú -Trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng” trên địa bàn tỉnh.

Qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, việc việc triển khai 02 nhóm TTHC liên thông đã đạt kết quả bước đầu hết sức khả quan, đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân và cả các cơ quan nhà nước.

Đối với người dân, khi thực hiện thủ tục liên thông trực tuyến, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, cắt giảm bớt các giấy tờ, thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại.

Triển khai 2 nhóm TTHC liên thông giúp đơn giản hóa TTHC. Ảnh: TM

 

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, việc liên thông 2 nhóm thủ tục này sẽ giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc kết nối giữa Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông nói trên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, khắc phục.

Đối với nhóm thủ tục Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số trường hợp công dân chưa thực hiện kích hoạt định danh điện tử mức độ 1 trở lên và không dùng sim điện thoại, hoặc có dùng nhưng sim không chính chủ, nên việc nộp hồ sơ gặp khó khăn, phải uỷ quyền cho thành viên khác trong gia đình đi nộp hồ sơ thay.

Việc chuyển hồ sơ liên thông do công dân nộp từ Cổng dịch vụ Công quốc gia sang phần mềm chuyên ngành (phần mềm hộ tịch) của ngành Tư pháp còn chậm phải chờ đồng bộ. Có trường hợp công dân nộp hồ sơ xong phải vài ngày sau, công chức tư pháp - hộ tịch mới tiếp nhận được hồ sơ trên phần mềm hộ tịch để thực hiện, gây chậm trễ trong giải quyết hồ sơ.

Việc đăng nhập phần mềm hộ tịch điện tử có thời gian vẫn bị lỗi không đăng nhập được hoặc có đăng nhập được nhưng bị chậm, gây khó khăn cho người thực hiện các hồ sơ liên thông 02 nhóm TTHC liên thông.

Tờ khai đăng ký thường trú của Công an yêu cầu nhiều người ký tên (chủ hộ, cha, mẹ trẻ) như vậy 1 một người đi nộp hồ sơ, in tờ khai rồi phải về xin đủ chữ ký để nhập khẩu cho trẻ gây khó khăn cho người dân.

Liên quan đến phần mềm liên thông, hiện nay phần mềm triển khai 2 nhóm TTHC liên thông còn bị lỗi (thường là không tìm thấy hồ sơ, ký số hoặc đóng dấu số bị lỗi) dẫn đến kéo dài thời gian khi xử lý hồ sơ.

Việc cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử ở các cơ sở y tế chưa theo đúng hướng dẫn. Ảnh: TM

 

Các trường hợp đăng ký khai tử không thuộc đối tượng hỗ trợ mai táng phí và các trường hợp đăng ký lại khai sinh không thực hiện nhập liên thông được nên tỷ lệ thực hiện số hồ sơ liên thông trên tổng số hồ sơ phát sinh thực tế đạt số lượng ít.

Việc thực hiện nội dung “Hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” còn gặp khó khăn là hiện nay, các địa phương cấp cơ sở chưa thực hiện. Lý do là đến nay chưa triển khai thực hiện tiếp nhập, giải quyết hồ sơ TTHC liên thông về Hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng trên hệ thống.

Đối với TTHC liên thông về đăng ký khai tử, việc chuyển hồ sơ, đồng bộ trạng thái giữa phần mềm chuyên ngành và phần mềm dịch vụ công còn chậm; phần mềm dịch vụ công thường xuyên gặp lỗi (như không thể truy cập cổng thông tin, lỗi xác thực từ Cổng Dịch vụ công quốc gia).

Về đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, hạ tầng kỹ thuật của Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp chưa được nâng cấp, đồng bộ kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư nên khi liên thông cấp số định danh cá nhân vẫn bị lỗi dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính đôi lúc bị chậm, gây khó khăn cho người thực hiện, bức xúc cho người dân.

Bộ Tư pháp cũng chưa hoàn thiện các tính năng phần mềm Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử dùng chung để đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC, đặc biệt là chữ ký số giấy khai sinh, trích lục khai tử.

Về phần mềm của ngành Y tế, cho đến nay, Bộ Y tế chưa chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là mã giấy chứng sinh, giấy báo tử để phục vụ thực hiện dịch vụ công liên thông.

Trong khi đó, đối với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, dù Cục Bảo trợ xã hội đã hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp xã trên địa bàn tỉnh nộp hồ sơ giải quyết mai táng phí đối tượng bảo trợ xã hội từ cấp xã lên cấp huyện thông qua Hệ thống Dịch vụ công Bảo trợ xã hội (Dvcbtxh.molisa.gov.vn), tuy nhiên quy trình này chưa phù hợp với Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (vì trên địa bàn tỉnh đây là thủ tục hành chính được tiếp nhận tại cấp huyện), do đó gây lúng túng cho cấp xã trong quá trình thực hiện.

Những khó khăn, vướng mắc trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai 2 nhóm TTHC liên thông. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ ngành liên quan với chính quyền địa phương để có giải pháp “gỡ vướng”. Từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện, góp phần đảm bảo lợi ích của người dân cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước.

Trịnh Minh

Chuyên mục khác