Cần cú hích cho hoạt động của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện

18/12/2017 13:24

Trong những năm gần đây, các mạng xã hội như Youtobe, Facebook ... phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người cập nhật, chia sẻ thông tin. Song, các thông tin phản ánh trên mạng xã hội cũng đang đặt ra nhiều thách thức về công tác quản lý của các cấp, các ngành và ý thức sử dụng của người dùng.

Trước thực trạng này, đòi hỏi nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền, trong đó có các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, nhằm cung cấp thông tin cho nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hội là cần thiết và cấp bách.   

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thành lập 10 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, tương ứng với 10 đơn vị hành chính, gồm thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Glei, huyện Tu Mơ Rông, huyện Sa Thầy, huyện Ia H’Drai, huyện Kon Plông và huyện Kon Rẫy. Các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin, phản ánh kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương, đồng thời phối hợp cộng tác tin, bài phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum.

Trạm truyền thanh xã Đăk Côi, huyện Kon Rẫy phát huy tốt hiệu quả. Ảnh: M.T

 

Ngoài nhiệm vụ tiếp và phát sóng từ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân theo quy định của pháp luật, một số Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện mỗi tháng sản xuất và phát sóng từ 03-05 chương trình phát thanh, truyền hình của địa phương. Đơn cử như Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Ngọc Hồi thực hiện 02 chương trình phát thanh với thời lượng 30 phút/chương trình, 02 chương trình truyền hình với thời lượng 15 phút/chương trình; Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Đăk Hà mỗi tháng thực hiện 02 chương trình truyền hình và 03 chương trình phát thanh, 03 chuyên mục (Tin tức và Âm nhạc, Người có công, Khuyến nông khuyến lâm); Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kon Plông mỗi tuần thực hiện 05 chương trình phát thanh với thời lượng 30 phút/chương trình, 02 chương trình truyền hình với thời lượng 20 phút/chương trình, 05 chuyên mục phát thanh (Nông nghiệp và Nông thôn, Sức khỏe và đời sống, Chính sách và pháp luật, Xây dựng Đảng, Điểm tin trong tuần)... Bên cạnh đó, viên chức công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố là cộng tác viên chủ lực cho cổng thông tin điện tử ở các địa phương này. Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kon Plông cho biết thêm: Do điều kiện đặc thù của huyện Kon Plông, ngoài việc đưa tin đơn thuần như các Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện khác, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kon Plông còn thực hiện một số nhiệm vụ có tính chất thường xuyên được UBND huyện giao như: Phục vụ máy chiếu, màn chiếu; chiếu phim, xây dựng Slide, bảng ảnh, chụp hình…phục vụ các hội nghị, hội thảo, cuộc họp tổ chức tại huyện...

Thực hiện Thông tư 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/10/2010 của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc UBND cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc UBND cấp huyện, Đài Truyền thanh - Truyền hình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh, đến nay, các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện như Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Kon Tum, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Đăk Hà, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kon Rẫy đã tích cực cộng tác tin bài phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

 Tuy nhiên, hầu hết các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện ở Kon Tum hiện nay đã xuống cấp, không có phòng thu phát thanh, truyền hình, không có thiết bị thiết yếu phục vụ tác nghiệp hàng ngày, trụ anten dây néo bị hoen gỉ, nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão... Trụ sở Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Đăk Glei đã bị xuống cấp, dột nát; Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kon Plông được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm chưa được duy tu, bảo dưỡng; trụ sở Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Ia H’Drai đầu tư xây dựng ở vùng trũng của huyện... Trên địa bàn toàn tỉnh, kinh phí dành cho việc sản xuất tin, bài ở mỗi địa phương cũng khác nhau, có địa phương như huyện Kon Plông không có kinh phí phục vụ cho việc biên tập, khai thác, thực hiện tin bài phát trên sóng phát thanh và truyền hình. Theo ông Lê Xuân Sáng, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Đăk Hà, trụ sở Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Đăk Hà được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Từ ngày trụ sở đưa vào sử dụng đến nay đã gần 15 năm vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp, hệ thống điện chiếu sáng, tường, nền nhà bị bong tróc, thấm dột... không bảo đảm sinh hoạt, hoạt động.   

Phòng sản xuất chương trình của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Đăk Glei. Ảnh: M.T

 

Các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đều thiếu nguồn lực con người phục vụ nhiệm vụ chính trị được phân công. Hàng năm, đội ngũ viên chức này ít tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hoặc tham gia sinh hoạt nghiệp vụ do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức. Phát thanh viên của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện chưa được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều viên chức công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được ký kết hợp đồng lao động. Cá biệt, có cán bộ trong diện biên chế  thuộc Đài Truyền thanh - Truyền hình nhưng được biệt phái công tác tại xã. Ông Tăng Trung Thành, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Tu Mơ Rông cho biết: Nguồn lực con người phục vụ công tác chuyên môn rất khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn huyện phải phân công anh em trực tại các trạm phát lại, không có người tham gia cộng tác tin bài phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình, Phó Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình đều phải trực tiếp đi tác nghiệp ở cơ sở... Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kon Plông cho biết thêm: Năm 2018, kế hoạch của UBND huyện Kon Plông điều chuyển 04 viên chức của Đài Truyền thanh - Truyền hình sang Phòng Văn hóa và Thông tin, cùng với 01 viên chức trúng tuyển  biên chế viên chức thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện. Như vậy cùng lúc, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kon Plông giảm 05 nhân viên, chiếm 35,7% tổng số cán bộ, viên chức của đơn vị, điều này gây ra sự khủng hoảng về mặt nhân lực.

 Trước thực trạng trên, đòi hỏi cần sự quan tâm của các ngành, các cấp nhằm củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là thực hiện phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Trước hết, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện. Trên cơ sở hướng dẫn này, UBND các huyện, thành phố ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.

Hàng năm, UBND các huyện, thành phố cân đối ngân sách, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp thông tin, tuyên truyền cho các Đài Truyền thanh - Truyền hình thực hiện nhiệm vụ chính trị được phân công. Trên cơ sở Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ “Quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản” và Công văn số 702/UBND-KTTH ngày 06/5/2011 của UBND tỉnh về chế độ nhuận bút, biên tập đối với các xuất bản các ấn phẩm, bản tin, thông tin, tạp chí chuyên ngành của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, mỗi địa phương quyết định việc chi trả nhuận bút theo định mức cụ thể. Ngoài ra, địa phương cần bố trí nguồn kinh phí cho việc đâu tư mua sắm, nâng cấp các trang thiết bị tối thiểu phục vụ tác nghiệp của viên chức đang công tác tại các Đài Truyền thanh - Truyền hình như Camera, phòng thu âm, các bộ dựng hình phim tuyến...

Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố thường xuyên cử viên chức tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức, đồng thời, tích cực cộng tác tin bài phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và tham gia các buổi sinh hoạt nghiệp vụ do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tiếp tục hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ về quay phim, biên tập, kỹ thuật dựng, ... cho viên chức công tác tại các Đài Truyền thanh - Truyền hình.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các ngành, các cấp, vai trò, vị thế của Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố sẽ tiếp tục được phát huy, đem các thông tin hữu ích, hấp dẫn phục vụ đông đảo nhân dân trên địa bàn. Đồng thời là cầu nối hữu hiệu đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện phát triển chắc chắn là “cánh tay nối dài” của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.  

Bài và ảnh: Minh Toàn

Chuyên mục khác