Cần có giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại

08/11/2019 13:01

Những năm gần đây, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng, nhất là trẻ em bị xâm hại tình dục...

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2011 đến nay, tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng (90 vụ/108 vụ xâm hại nói chung). Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 có 39 trẻ em bị xâm hại, riêng trẻ bị xâm hại tình dục là 32 trường hợp; giai đoạn 2016-2019 có 69 trẻ em bị xâm hại, trong đó bị xâm hại tình dục 58 trường hợp.

Báo cáo tại buổi giám sát đầu tháng 10/2019 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình triển khai các chính sách, công tác phòng chống xâm hại trẻ em, lãnh đạo Sở LĐ-T&XH cho biết: Đối tượng xâm hại trẻ em thường là người ruột thịt, người thân thích của các em, với các hành vi dụ dỗ, ép buộc, đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm hại. Việc tố giác các vụ xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu qua số điện thoại của Tổng đài quốc gia 111 (tiếp nhận thông tin về trẻ em bị xâm hại) và tiếp nhận thông tin từ cơ sở báo cáo lên các ngành chức năng, địa phương. Các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra ngay chính ngôi nhà, hoặc tại khu dân cư nơi sinh sống, vui chơi thân thiết hàng ngày của trẻ, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ chưa đến tuổi thành niên, mặt khác, gây bức xúc, hoang mang lẫn lo sợ cho người dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn trên địa bàn.

Cũng tại buổi làm việc trên, đại diện các ban, ngành chức năng như Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng là do các đối tượng bị tác động tiêu cực bởi lối sống thực dụng, buông thả, hoặc thiếu sự quản lý, giáo dục, định hướng lối sống tích cực từ phía các bậc phụ huynh, gia đình và bị ảnh hưởng từ các trang mạng xấu, thiếu hiểu biết, nhận thức về pháp luật…

Đoàn giám sát Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc tại huyện Đăk Hà. Ảnh: MT

 

Ngoài ra, các em bị xâm hại thường sống trong các gia đình thuộc diện khó khăn, nghèo và thiếu sự quan tâm của người thân, cha mẹ, dẫn tới việc dễ rơi vào nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại và không trang bị (hoặc có nhưng rất ít) cho các em những kỹ năng tự vệ trước đối tượng xấu, có hành vi xâm phạm.

Đối với các đối tượng xâm hại trẻ em, từ năm 2015 đến nay, các ngành chức năng tỉnh đã xử lý 7 vụ vi phạm hành chính về bạo lực trẻ em, với 7 đối tượng; xử lý hình sự các hành vi phạm tội xâm hại trẻ em 69 vụ, trong đó 58 vụ hiếp dâm, giao cấu, dâm ô trẻ em.

Thông tin từ ngành LĐ-TB&XH tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình an toàn, lành mạnh, nhằm phòng, chống bạo lực gia đình và các hình thức khác xâm hại trẻ em như: 6 mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình với 20 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; 27.600 mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” tại cộng đồng... Các ngành còn phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, kết hợp lồng ghép tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong việc xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vì sống trong gia đình có các vấn đề xã hội phức tạp…

Đến nay, toàn tỉnh có 276/394 trường học đạt tiêu chí trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; đã xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng ở 40 xã; 30 điểm tham vấn và câu lạc bộ cho trẻ em, nhóm trẻ em nòng cốt, 2 dịch vụ công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh và hội đồng tư vấn cấp tỉnh...

Tại buổi giám sát, các thành viên của Đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến, trong đó, đa số cho rằng, các địa phương đều đã có những mô hình, hệ thống phòng chống và giáo dục, bảo vệ trẻ em nhưng tình trạng trẻ bị xâm hại vẫn tăng. Vậy nên, cần phải nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các mô hình, nhà an toàn, câu lạc bộ phòng chống, bảo vệ trẻ em. 

Thực tế cho thấy, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp, có sự theo dõi và đánh giá mức độ hiệu quả nghiêm túc. Đội ngũ cán bộ và cộng tác viên về công tác trẻ em cần được thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng, phương pháp nghiệp vụ truyền thông, tư vấn, can thiệp và bảo vệ trẻ em rơi vào các hoàn cảnh bị xâm hại, bạo hành...

Đặc biệt, các cấp và các ngành trong tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu vì trẻ em; trong đó chú trọng đánh giá thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em và các mô hình, dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước, xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em theo qui chế phối hợp liên ngành, theo luật định. Ngành LĐ-TB&XH với vai trò chủ lực tham mưu tỉnh triển khai công tác trẻ em cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ, tiến hành thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kiện toàn, thành lập mới ban điều hành bảo vệ trẻ em cấp huyện, ban bảo vệ trẻ em cấp xã đúng quy định...

Mai Trâm

Chuyên mục khác