Cần có biện pháp bảo vệ trẻ em đuối nước

19/03/2020 13:09

Thời gian qua, trên địa tỉnh liên tục xảy ra các vụ việc trẻ em bị đuối nước. Những cái chết thương tâm của các em chính là hồi chuông gióng lên nhắc nhở chính quyền các cấp, ngành chức năng và gia đình cần có các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ trẻ em bị đuối nước; năm 2018 xảy ra 25 vụ; năm 2019 xảy ra 15 vụ. Chỉ riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy gần chục vụ đuối nước thương tâm làm gần 10 trẻ em tử vong. Địa bàn xảy ra là ở thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Đăk Glei và Ngọc Hồi…

Vụ mới đây nhất xảy ra chiều 13/3 tại đoạn sông Pô Kô qua thôn 4, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi), em A Thảo Thường (9 tuổi, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Plei Kần) ra sông tắm không may bị nước cuốn trôi. Trước đó, trưa 7/3, tại khu vực một hồ nước sạch ở tổ dân phố 5, thị trấn Plei Kần, em A Na Hải Nguyên (10 tuổi, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học số 2, thị trấn Plei Kần) xuống tắm và không may bị đuối nước tử vong.

Tương tự, tại thành phố Kon Tum mới đây cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước làm 2 trẻ em tử vong. Đó là trường hợp em A Trung (13 tuổi, ở xã Đăk Blà), chiều 10/3, trong lúc đi tắm ở sông Đăk Bla đoạn thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1 bị đuối nước tử vong. Trước đó, chiều 21/2, em A Huỳnh (9 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng bị đuối nước trong lúc đi giặt quần áo tại khu vực cầu số 1 đang thi công qua sông Đăk Bla thuộc địa bàn phường Thống Nhất.

Trẻ em không nên đi chơi ở gần sông suối. Ảnh: PN

 

Trong số các vụ đuối nước từ đầu năm đến nay, thương tâm nhất là vụ việc 2 anh em ruột là Nguyễn Đình Đ. (8 tuổi, học sinh lớp 2A Trường Tiểu học Phan Đình Giót, xã Đăk Hring) và Nguyễn Đình H. (5 tuổi, đang học Trường Mầm non xã Đăk Hring) đến nhà bà ngoại ở xã Đăk Ngọc ăn giỗ, trong lúc chơi đùa do bất cẩn nên cả 2 cháu bị ngã xuống ao nước sau nhà khiến cả 2 tử vong.

Đâu là nguyên nhân?

Theo ông Trịnh Lê Văn -  Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blà, qua các vụ đuối nước thương tâm gần đây cho thấy nhiều gia đình còn khá chủ quan, chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục con, em tránh xa những khu vực sông suối. Cụ thể như, vụ đuối nước vừa qua tại địa bàn xã Đăk Blà xảy ra ngay khu vực chính quyền xã đã cắm biển cảnh báo. Các em vẫn chủ quan, không hề để tâm đến biển cảnh báo nguy hiểm, vẫn xuống sông tắm nên mới xảy ra sự việc đau lòng. Trong khi đó, hàng năm, xã Đăk Blà thường xuyên chỉ đạo các hội, đoàn thể xuống tận thôn, làng tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật, có cả tuyên truyền về cách phòng chống đuối nước cho trẻ em để người dân cẩn trọng, đề phòng.

Bà Lê Thị Thanh Tùng - Phó Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Kon Tum cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị đuối nước là thời gian này, học sinh được nghỉ học  ở nhà do bệnh Covid-19 bùng phát, trong khi đó, bố mẹ các em phải đi làm, không có thời gian quản lý, theo dõi; hơn nữa, đang là thời điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng, các em học sinh đồng bào DTTS lại có thói quen đi tắm sông suối, do bất cẩn xảy ra đuối nước.

Tăng cường quản lý, đẩy mạnh truyền thông

Trước tình hình trẻ em liên tục bị đuối nước, mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh yêu cầu các đơn vị, các huyện thành phố: đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về phòng chống, đuối nước trẻ em; tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian trẻ nghỉ học do dịch Covid-19; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em; xây dựng và triển khai thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong phòng, chống đuối nước trẻ em; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình nhằm thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường học, gia đình và cộng đồng.

Biển cảnh báo được chính quyền xã Đăk Blà cắm tại những nơi nguy hiểm trên dòng sông Đăk Bla để cảnh báo. Ảnh: PN

 

Bà Lê Thị Thanh Tùng cho biết: Vừa qua, chúng tôi tham mưu cho UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo các đơn vị xã, phường, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống đuối nước, tuyên truyền vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là thời gian trẻ em nghỉ học do dịch Covid-19. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong trường học, gia đình và cộng đồng để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Để hạn chế những vụ đuối nước thương tâm và bảo vệ sự an toàn cho trẻ em, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong công tác quản lý, bảo vệ trẻ em. Trước hết, mỗi gia đình cần có sự quan tâm, giám sát chặt chẽ con em mình, giáo dục, cảnh báo cho các em không nên đi tắm sông, suối, vui chơi gần ao, hồ.               

Ðến nay, thành phố Kon Tum đã tiến hành nhiều biện pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đồng thời tiến hành cắm 275 biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích và đuối nước đối với trẻ em trên toàn địa bàn… để các em biết, đề phòng.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác