Cần chuẩn hóa cách ghi dân tộc Gié - Triêng

09/08/2023 13:02

Trong chuyến công tác đến xã Đăk Long, huyện Đăk Glei cùng với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vào cuối tháng 7 vừa qua, tôi khá bất ngờ khi thấy trước phòng làm việc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã có rất đông người dân giao dịch. Tò mò, tôi lân la làm quen với người dân để tìm hiểu, được biết bà con đến đây làm giấy tờ đăng ký nhập học cho con vào năm học mới.

Tiếp xúc, trò chuyện với chị Y Rỗi ở thôn Đăk Ák, xã Đăk Long, tôi xin phép xem giấy khai sinh các con của chị. Giấy khai sinh số 87/2019 cháu A Chân Nhân, sinh 17/5/2019 ghi dân tộc Gié - Triêng nhưng bố mẹ, tức là chị và chồng A Nhất ghi là dân tộc Dẻ. Cũng là con chị Y Rỗi và anh A Nhất, Giấy khai sinh số 02/2014 cháu Y Hy Ran, sinh 14/9/2013 thì cả 3 người đều ghi dân tộc Dẻ. Thấy lạ, tôi hỏi Y Rỗi, chị nói: Mình cũng không biết, cán bộ ghi sao thì mình biết vậy.

Theo ông A Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, cán bộ tư pháp xã nhập thông tin giấy khai sinh thành phần dân tộc theo phần mềm hệ thống dữ liệu hộ tịch tư pháp.

Người dân xã Đăk Long chờ đăng ký làm giấy tờ cho con nhập học. Ảnh: NM

 

Mang thắc mắc này về tỉnh, tôi gặp Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn, ông giải thích: Theo văn bản số 2153/UBND - NC ngày 1/8/2018 của UBND tỉnh Kon Tum về việc cách ghi thành phần dân tộc trên các loại giấy tờ cá nhân của công dân đã dẫn rõ: “ Cách ghi thành phần thành phần dân tộc được thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc tại Công văn số 40/UBDT - DTTS ngày 16/1/2018 và ý kiến của Bộ Tư pháp tại Công văn số 525/HTQTCT-BTC ngày 14/5/2018. Cụ thể: Ghi tên nhóm nhỏ hoặc tên gọi khác trước, sau đóng mở ngoặc ghi tên chính thức của dân tộc, ví dụ: Pa - co (Ta - ôi), Rơ Ngao ( Ba - na)…

Văn bản số 2153/UBND - NC ngày 1/8/2018 của UBND tỉnh Kon Tum kèm danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam quy định mỗi dân tộc một mã số - một số tên gọi khác - theo địa bàn cư trú chính. Dân tộc Gié - Triêng của tỉnh Kon Tum và Quảng Nam mã số 29, có một số tên gọi khác: Đgiéh*, Ta Riêng*, Ve (Veh)*, Rẫy Pin, Triêng, Treng*, Bnoong (Mnoong)**… Việc đánh dấu 1 hoa thị quy định chỉ xuất hiện trong “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam” theo Quyết định 121/TCTK - PPCĐ ngày 2/3/1979 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kế - nguồn chính; dân tộc được đánh dấu 2 hoa thị chỉ xuất hiện trong “Miền núi Việt Nam, thành tựu và phát triển những năm đổi mới 2022, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi - nguồn bổ sung.”

Qua theo dõi, tổng hợp, nắm tình hình thực hiện quy định về ghi tên thành phần dân tộc theo văn bản số 2153/UBND - NC ngày 1/8/2018 của UBND tỉnh Kon Tum, Ban Dân tộc tỉnh phát hiện vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện thống nhất văn bản của UBND tỉnh. Ngày 2/3/2021, Ban Dân tộc tỉnh đã có văn bản số 162/BDT - TTDB chỉ đạo cán bộ, công chức các đơn vị thực hiện đúng và thống nhất cách ghi thành phần dân tộc theo quy định.

Anh A Nhất và A Thét xã Đăk Long bất ngờ đọc lại giấy khai sinh sau khi tôi hỏi chuyện. Ảnh: N.M

 

Tìm hiểu thêm về cách ghi thành phần dân tộc qua danh mục thống kê Tổng điều tra dân số và nhà ở của Cục Thống kê tỉnh - đơn vị này ghi đúng thành phần dân tộc theo quy định.

Làm việc với Sở Tư pháp, tôi nêu các trường hợp ghi thành phần dân tộc cha mẹ và con trong giấy khai sinh của các cháu khác nhau ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei; đặt vấn đề trong trường hợp này việc cải chính thành phần dân tộc đối với giấy khai sinh thực hiện như thế nào? Lãnh đạo Sở Tư pháp bày tỏ: Đây là vấn đề khá phức tạp, kéo dài nhiều năm nay chưa có cách giải quyết. Nếu cải chính giấy khai sinh thì chỉ làm đối với những trường hợp khi có yêu cầu, còn việc cải chính giấy khai sinh ghi không đúng thành phần dân tộc cho toàn bộ người dân là rất khó, liên quan đến nhiều cơ quan và các giấy tờ cá nhân khác của người dân.

Tìm hiểu tại cơ quan tư pháp cho thấy, lâu nay ngành Tư pháp sử dụng phần mềm hệ thống dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp trên cơ sở Tổng cục Thống kê cung cấp; còn về phía Công an sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai dữ liệu của hai đơn vị này có đồng nhất về cách ghi thành phần dân tộc trên giấy tờ tùy thân của công dân hay không, rất cần có cuộc rà soát, điều chỉnh.

Tại vùng tập trung đông dân tộc Gié - Triêng như Đăk Glei, khi tôi đề cập về cách ghi thành phần dân tộc Dẻ trong các giấy tờ tùy thân, có người cho rằng đó là cách ghi sai với truyền thống, do một số cán bộ tư pháp ghi theo thói quen.

Trở lại với giấy khai sinh các con anh A Nhất và chị Y Rỗi dân tộc Dẻ ở thôn Đăk Ák, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, địa phương xem xét, điều chỉnh mục ghi dân tộc của Y Hy Ran sinh năm 2013 (Dẻ) và A Chân Nhân sinh năm 2019 (Gié - Triêng). Bởi vì không thể nào 2 cháu cùng cha mẹ, cách ghi dân tộc lại khác nhau. Sự bất nhất trong giấy khai sinh các trường hợp khác ở xã xã Đăk Long, huyện Đăk Glei ghi cha mẹ dân tộc Dẻ, con dân tộc Gié - Triêng về lâu dài sẽ khó khăn khi các em làm thủ tục nhập học, đi làm ngoài tỉnh, nước ngoài.

Hiện nay, Bộ Công an cấp mã định danh cá nhân VNeID cho từng công dân để giao dịch thay thế các giấy tờ truyền thống. Việc định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số để việc giao dịch của công dân thuận tiện.

Để chuẩn hóa thông tin thành phần dân tộc trong hệ thống phần mềm trên môi trường số là hết sức cấp thiết, rất cần cơ quan Tư pháp, Công an, Ban Dân tộc sớm xây dựng văn bản hướng dẫn thống nhất cách ghi, tránh lặp lại sự bất nhất như trường hợp các giấy khai sinh dân tộc Gié - Triêng nêu trên.     

Ngọc Mẫn

Chuyên mục khác