10/09/2019 06:00
Chúng tôi đến thôn Kép Ram, xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) để tìm hiểu về tình trạng các doanh nghiệp cho nổ mìn khai thác đá làm nứt nhà dân theo thông tin phản ánh của nhân dân.
Tại đây, ông A Ban- Trưởng thôn Kép Ram cho chúng tôi biết: Ở khu vực gần thôn có hai mỏ khai thác đá hoạt động. Đó là mỏ đá của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Kon Tum và Công ty cổ phần Xây dựng công trình Sông Hồng. Hai mỏ khai thác này đã hoạt động từ lâu và khu vực khai thác chỉ cách thôn Kép Ram vài trăm mét. Các doanh nghiệp khai thác đá ở hai mỏ thường xuyên tiến hành nổ mìn để khai thác đá vào khoảng 17-18 giờ hàng ngày. Lâu dần, hàng chục ngôi nhà trong thôn bị chấn động, rung lắc do việc nổ mìn gần đó gây ra, nên bị rạn, nứt toác.
Tìm đến căn nhà của gia đình chị Đào Thị Diễm Thúy (35 tuổi, trú thôn Kep Ram) chúng tôi nhận thấy, căn nhà chị bị nứt khá nhiều. Một số mảng tường nứt toác dài từ dưới móng kéo lên đến hết phần tường.
|
|
Chị Thúy cho biết: “Hôm nào họ cũng cho nổ mìn vào 17-18 giờ. Tiếng nổ nghe rất to. Mỗi lúc như thế cả căn nhà tôi rung mạnh. Có hôm nổ to quá, bức tường trong nhà phát ra tiếng rắc rắc, tôi phải bảo tụi nhỏ chạy ra khỏi nhà vì sợ nhà sập. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Hòa Bình nhưng đến nay vẫn không thấy cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân”.
Tương tự, cách nhà chị Thúy vài chục mét, nhà bà Y Peo (67 tuổi, thôn Kép Ram) cũng bị nứt khá nhiều chỗ. Bà Y Peo cho biết, hàng ngày gia đình bà phải sống trong sự lo lắng vì hoạt động của mỏ khai thác đá.
“Năm nay người ta nổ mìn to lắm, nhà mình nứt hết rồi. Có hôm nhà mình đang ăn cơm chiều thì họ nổ mìn. Một tảng gạch trên tường nhà rớt ầm xuống đất. Mình sợ quá vội lùa mấy đứa cháu ra khỏi nhà, chờ khi nào người ta nổ mìn xong thì vào ăn cơm tiếp” – bà Y Peo nói.
Cạnh nhà bà Y Peo, ngôi nhà của gia đình chị Y Jút (28 tuổi) mới xây được hơn một năm nay cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt khá to chạy dọc các khe tường; ở ngay cánh cửa có vết nứt to, những mảng bị bung rớt.
Chị Y Jút cho biết: Mỗi lần nổ mìn làm chúng tôi giật mình, ngôi nhà rung lắc khiến chúng tôi không dám ở trong nhà.
Chị Y Búi ngao ngán kể với chúng tôi về tình trạng gia đình chị phải thường xuyên “sống trong sợ hãi”: Trước đây, nhiều lần nổ lớn đá văng cả vào mái nhà của gia đình tôi. Có hôm đang ngồi ngoài hiên, đá rơi ngay trước mặt, may là không trúng người. Nhiều khi đi làm rẫy, không dám để mấy đứa trẻ ở nhà nên vợ chồng tôi mang đi theo lên rẫy.
|
Trao đổi với phóng viên về tình trạng nêu trên, ông Phạm Phước- Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, trước đây người dân đã nhiều lần có ý kiến về việc nổ mìn làm nứt nhà, nứt giếng. Chính quyền xã Hòa Bình đã tiến hành kiểm tra và thời điểm đó xác định có một căn nhà, một giếng nước bị nứt do ảnh hưởng của mỏ đá. Các ban ngành liên quan đã trực tiếp xuống địa phương tiến hành quan trắc, đánh giá tác động môi trường của hai mỏ đá; tuy nhiên cũng không phát hiện gì.
Cũng theo ông Phạm Phước, vừa qua trong đợt tiếp xúc cử tri HĐND 2 cấp người dân tiếp tục phản ánh về việc nhà cửa bị nứt do nổ mìn. Về việc này, chính quyền xã Hòa Bình ghi nhận và tổng hợp phản ánh lên cấp trên tiến hành kiểm tra, xử lý triệt để.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có các biện pháp quản lý cũng như kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khoan đá nổ mìn và có chế tài buộc các đơn vị kể trên phải thực hiện đúng các quy định về nổ mìn khai thác đá… nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, giúp họ ổn định cuộc sống.
Văn Phương