Cấm tuyệt đối nồng độ cồn

01/07/2024 06:02

Sau nhiều tranh luận, sáng 27/6, Quốc hội quyết định “cấm tuyệt đối nồng độ cồn” đối với người điều khiển phương tiện, sau khi bỏ phiếu thông qua dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Điều 9 của Luật nêu các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Trước đó, ngày 21/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu bằng phiếu điện tử. Kết quả, 293/388 đại biểu tham gia (75,52%) nhất trí cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Có 95 đại biểu (24,48%) đề nghị quy định mức giới hạn nồng độ cồn thấp nhất và 8 đại biểu thêm ý kiến khác.

Trên cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tiếp tục cấm triệt để nồng độ cồn nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi, hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Đã uống rượu bia thì không lái xe. Ảnh: T.H

 

Về trường hợp không uống rượu, bia mà vẫn có nồng độ cồn trong máu, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung điều khoản giao Bộ Y tế quy định cách xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu.

Trên thực tế, cấm tuyệt đối nồng độ cồn không phải nội dung mới, mà được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đồng thời cũng thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Nghị định 100 của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019, sau đó là Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 28/12/2021, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, lái xe bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0.

Giữa năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Như vậy, vấn đề đã được “chốt” sau nhiều tranh luận, kể từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023.

Khi ấy, thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ,  một số đại biểu đề nghị cân nhắc nội dung cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Lý do là “quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương”.

Vì vậy, quy định tỷ lệ nồng độ cồn “bằng 0” sẽ khó khả thi, nên đề ra ngưỡng hay tỷ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe.

Trong quá trình thực thi luật của ngành chức năng cũng có ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến không đồng tình cấm tuyệt đối nồng độ cồn, và đề xuất nên có một “mức giới hạn” nhất định.

Những ý kiến này biện luận rằng, cần phạt người say xỉn để bảo đảm an toàn giao thông, chứ không nên dựa vào quy định ngặt nghèo để phạt cả những người tỉnh táo vì “uống từ đêm qua”.

Mặt khác, tai nạn giao thông không chỉ đến từ bia rượu mà chủ yếu từ ý thức người tham gia giao thông. Cho nên, muốn đảm bảo an toàn giao thông cần thay đổi từ ý thức đến hành vi, chứ không chỉ dựa vào việc “áp” nồng độ cồn “bằng 0”.

Bên cạnh đó, xử phạt khi nồng độ “trên 0” cũng ảnh hưởng đến kinh tế, khi hoạt động kinh doanh đình đốn, thất thu thuế. Rồi những trường hợp chỉ “uống một vài ly rượu từ đêm” mà sáng hôm sau lái xe vẫn bị tịch thu bằng, xử phạt nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Ảnh: TH

 

Luồng ý kiến ủng hộ, chiếm đa số, nhấn mạnh không nên mất thời gian tranh cãi làm gì, vì tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia là quá rõ và đang lấy đi sinh mạng của rất nhiều người.

Luật không cấm uống rượu bia, và ai muốn uống bia rượu, miễn là uống xong đừng lái xe là được. Hơn nữa, cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông không làm ngành dịch vụ ăn uống đi xuống.

Điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo an toàn cho chính mình, vừa an toàn cho xã hội.

Vì nghề nghiệp, và cũng vì nhận thức của bản thân, tôi ủng hộ việc cấm tuyệt đối lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông đang phức tạp.

Lý do ư? Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Và sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn không chỉ giảm tai nạn giao thông đường bộ mà còn giảm tác hại do  sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

Mặt khác, cấm nồng độ cồn cũng phòng ngừa hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích do tác dụng của rượu bia.

Ngay khi báo chí đưa tin Quốc hội “chốt” cấm tuyệt đối nồng độ cồn, đã ghi nhận sự đồng tình của đa số ý kiến bình luận. Hầu hết đều cho rằng đây là quyết định đúng đắn nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, quyết tâm cùng với chế tài và sự nghiêm minh trong chấp pháp đã đem lại sự thay đổi tích cực về ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông của người dân.

Nhất là thay đổi thói quen sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở nhiều người. Đây là tiền đề tiến tới xây dựng văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”.             

Thành Hưng

Chuyên mục khác