Cảm nhận từ những chuyến đi về với phụ nữ vùng biên

20/10/2023 13:01

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 đã đến, bất chợt gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ về những chuyến đồng hành cùng Hội LHPN tỉnh. Là một phóng viên, tôi có nhiều dịp được đến các vùng biên giới xa xôi, được chứng kiến những chương trình, hoạt động ý nghĩa của các cấp hội phụ nữ trong hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định.

Đó có thể là kỷ niệm về chuyến đi đến xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei) vào những ngày giáp Tết. 11 giờ trưa, giữa cái nóng hầm hập như đổ lửa, tôi cùng các cán bộ Hội LHPN tỉnh và chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô vẫn miệt mài cuốc bộ lên con dốc giữa lưng chừng núi. Đi chừng hơn 30 phút vượt qua con dốc, chúng tôi tận mắt chứng kiến mô hình trồng sâm dây của các hội viên phụ nữ tại xã Đăk Plô. Đây là mô hình được hỗ trợ trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” (do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động). Chương trình nhằm tạo điều kiện cho các hộ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ tiền mua bò giống sinh sản cho các đối tượng. Ảnh: T.T

 

Trên khu vực sản xuất, chúng tôi thấy nhiều chị em phụ nữ đang cần mẫn nâng niu chăm sóc từng gốc sâm dây. Trên gương mặt phấn khởi của từng người  như đang toát lên niềm hi vọng tràn trề về mô hình kinh tế này.

Bên luống sâm dây xanh tốt, chị Y Hường, hội viên phụ nữ thôn Pênh Lang (xã Đăk Plô) đang được một chiến sĩ Đồn Biên phòng hướng dẫn nhiệt tình về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sâm dây. Dưới nắng trưa hầm hập, khuôn mặt đỏ bừng cùng những giọt mồ hôi lấm tấm, chị Y Hường vẫn tập trung lắng nghe những kiến thức quý báu để áp dụng chăm sóc cho sào sâm dây của mình.

Chờ khi chiến sĩ biên phòng hướng dẫn xong, tôi tranh thủ bắt chuyện với chị Y Hường. Chị cởi mở cho biết: Nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật chăm sóc chính là 2 trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng mô hình trồng sâm dây. Vậy nên, trước đây, dù biết sâm dây là loại dược liệu cho năng suất cao, nhưng rất ít hộ gia đình dám thử sức. Bây giờ thì khác rồi, thông qua sự hỗ trợ từ các cấp hội phụ nữ, các chiến sĩ Biên phòng, chúng tôi vừa có nguồn vốn, vừa có kiến thức canh tác. Bây giờ, hội viên, phụ nữ nơi đây đã đủ tự tin, mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế của riêng mình.

Triển khai mô hình, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã tạo điều kiện cho 20 hộ gia đình chị em phụ nữ xã Đăk Plô tiếp cận nguồn kinh phí để thử sức với mô hình trồng sâm dây. Qua thời gian, vườn sâm dây của các chị em đều phát triển tươi tốt, mang đến nguồn thu nhập không nhỏ.

Trao tặng vốn sinh kế và nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo. Ảnh: TT

 

Trong một chuyến đi khác, chúng tôi đến với xã biên giới Rờ Kơi của huyện Sa Thầy trao mô hình bò sinh sản cho các hộ hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn. Đây là mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi bò sinh sản.

Từ sáng sớm, khuôn viên trụ sở UBND xã Rờ Kơi đã chật kín người. Chương trình nhanh chóng diễn ra trong sự phấn khởi, vui mừng của các hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Hôm ấy, Hội LHPN tỉnh đã trao 100 triệu đồng cho 10 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để mua bò giống sinh sản.

Theo tôi tìm hiểu, nguồn kinh phí 100 triệu đồng này được trích từ nguồn quyên góp, ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Qua khảo sát địa bàn, Hội LHPN tỉnh quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho các hội viên, phụ nữ nơi đây. Xã Rờ Kơi là một trong những địa bàn biên giới vùng sâu, đời sống hội viên, phụ nữ còn nhiều khó khăn. Mô hình nuôi bò sinh sản là bước đệm quan trọng, để các hội viên, phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống ổn định.

Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc của chị Y Seng, làng Gia Xiêng (xã Rờ Kơi) khi ấy. Chị thổ lộ: Mình sẽ cố gắng học thêm các kỹ thuật về chăn nuôi, chăm sóc bò sinh sản để xây dựng mô hình thật tốt. Cảm ơn chương trình đã đến, hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ đối với hội viên, phụ nữ nơi đây. Mình sẽ cố gắng thật tốt để vươn lên thoát nghèo!

Đồng hành với các chuyến đi hỗ trợ phụ nữ vùng biên, tôi đã được chứng kiến rất nhiều những việc làm ý nghĩa của các cấp hội phụ nữ, của các chiến sĩ Biên phòng. Đó có thể là trao tặng căn nhà mới cho phụ nữ nghèo, hay tặng quà, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; là những buổi tập huấn “đặc cách” dành cho các hội viên, phụ nữ trong phát triển kinh tế; là sự quan tâm, đùm bọc thông qua những việc làm ý nghĩa của các tổ chức xã hội đối với hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn. Tất cả những điều đó, đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên, đầy cảm xúc.

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin bộc bạch vài kỷ niệm nhỏ từ những lần đồng hành cùng chị em về cơ sở. Xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các cán bộ, hội viên, phụ nữ. Và mong các cấp hội ngày càng có nhiều hơn những chương trình thiết thực, hiệu quả để sẻ chia, giúp đỡ những hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là khu vực biên giới, để tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tất Thành

Chuyên mục khác