03/06/2019 13:10
Nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng HTQLCL vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả theo mục tiêu Chương trình cải cách hành chính chung của tỉnh, thời gian qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ về HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008 cho các cán bộ, công chức của các sở, ngành, UBND huyện, thành phố.
Ông Lê Hữu Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cho biết, kết quả áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001 cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin (ISO điện tử) trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông làm cho việc luân chuyển và xử lý hồ sơ trong nội bộ cơ quan một cách rành mạch, rõ ràng hơn, thời gian giải quyết nhiều loại hồ sơ được rút ngắn hơn nhiều theo quy định.
Theo ông Dũng, việc áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9001:2008 còn là phương pháp để giám sát trên thực tế việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. HTQLCL là một trong những công cụ hỗ trợ đáng kể cho việc công khai, minh bạch, cụ thể hóa quy trình, thủ tục giải quyết công việc theo yêu cầu của tổ chức và công dân. Hồ sơ công việc của các đơn vị được tổ chức thu thập, sắp xếp và lưu trữ khoa học. Hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao rõ rệt, từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân khi tới làm việc tại các cơ quan hành chính.
Ông Bùi Thanh Bình - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay: Thực hiện Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 08/2/2018 của UBND tỉnh (về phê duyệt Kế hoạch kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Kon Tum năm 2018), Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện HTQLCL tại 16 cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, đánh giá, hầu hết các cơ quan nghiêm túc thực hiện; 100% các cơ quan đã thực hiện đúng, đủ số thủ tục hành chính xây dựng và áp dụng ISO; 100% cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu việc thực hiện áp dụng ISO. Đến nay, tất cả cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 9/10 đơn vị hành chính cấp huyện (trừ huyện Ia H'Drai) đã áp dụng HTQLCL. Đối với cấp xã, hiện có 73/102 đơn vị đã áp dụng HTQLCL.
Việc áp dụng ISO đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hành chính tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ; hệ thống việc giải quyết TTHC theo đúng quy trình, quy định, dễ áp dụng, giúp cho việc giải quyết TTHC thuận tiện; góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường hoạt động cải cách hành chính tại địa phương. Từ đó, từng bước tạo được lòng tin, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Nhờ áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO mà tỷ lệ giải quyết yêu cầu của tổ chức và công dân theo cơ chế “một cửa” các cấp tăng cao.
|
Mặt khác, theo ông Bình, việc áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9001:2008 tại các cơ quan, đơn vị đã đem lại những hiệu quả khả quan, giúp cán bộ, công chức triển khai công việc và quản lý hồ sơ công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian xử lý các văn bản, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng thời gian; từng bước cải tiến phương thức làm việc, giảm tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện các quy trình tác nghiệp giúp cho thủ trưởng cơ quan và cán bộ nắm vững hơn nội dung, yêu cầu và cách thức xem xét, xử lý công việc theo quá trình, xác định ranh giới trách nhiệm trong nội bộ cơ quan và giữa cơ quan với đơn vị bên ngoài, đảm bảo thực thi công vụ và xử lý công việc theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, giúp đơn vị rà soát, đánh giá và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận và trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ trong cơ quan.
Tuy nhiên, với đặc thù một tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, việc thấu hiểu các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO đối với từng lĩnh vực hoạt động tại các đơn vị hiện nay còn nhiều hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của việc áp dụng. Bởi vậy, để phát huy tốt tính ưu việt của HTQLCL, rất cần có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cấp, các ngành; sự hiểu biết, thực thi tốt nhiệm vụ của cán bộ, công chức và sự tham gia, giám sát chặt chẽ của nhân dân để việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực sự có hiệu quả, góp phần đắc lực đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính tại địa phương.
Bản chất của TCVN ISO 9001:2008 là một phương pháp làm việc khoa học dựa trên nguyên tắc tiếp cận theo quá trình trong việc tạo ra sản phẩm (với quản lý hành chính là kết quả xử lý công việc), qua đó kiểm soát hoạt động tốt hơn, đạt hiệu lực, hiệu quả cao hơn trong quản lý hành chính. TN
Thảo Nguyên