Cải thiện dinh dưỡng bữa ăn học đường

31/10/2017 13:05

59 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, khẩu phần ăn sẽ có đầy đủ các chất đạm, tinh bột, rau xanh, khoáng chất… Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị triển khai “Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng dinh dưỡng” do Sở GD&ĐT phối hợp với công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức vào ngày 31/10/2017.

Trên 360 món ăn trong ngân hàng thực đơn

Được xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng dành cho lứa tuổi tiểu học theo “Bảng nhu cầu năng lượng khuyến nghị cho người Việt Nam” do Bộ Y tế ban hành năm 2015, phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cung cấp cho các trường một ngân hàng gồm 120 bộ thực đơn có sẵn với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng.

Với tính năng vượt trội, phần mềm còn giúp các trường tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn để tạo ra thực đơn ngon miệng và cân bằng dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, phần mềm hỗ trợ các trường có thể tự tạo thực đơn mới bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với địa phương và kiểm tra tính dinh dưỡng của các thực đơn nhà trường đang sử dụng, đồng thời giúp nhà trường tính toán và quản lý cho phí bữa ăn của học sinh; cho phép người dùng nhập mới, thay đổi, điều chỉnh giá nguyên liệu theo thực tế để tính chi phí thực đơn.

Hội nghị đã giải đáp những thắc mắc của các trường về việc triển khai xây dựng bữa ăn phù hợp với chi phí thu hàng tháng. Ảnh: HT

 

Cùng với phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, dự án Bữa ăn Học đường cũng triển khai áp phích minh họa thực phẩm “3 phút thay đổi nhận thức” cho các trường tiểu học bán trú để giáo dục học sinh về dinh dưỡng và công dụng của thực phẩm, qua đó khuyến khích học sinh ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt hình thành thói quen ăn nhiều rau, củ tốt cho sức khỏe.

Việt Nam hiện vẫn phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng: thừa cân và suy dinh dưỡng. Đặc biệt, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030.

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn – Chuyên viên chính Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: “Trước những thực trạng chung của tỉnh Kon Tum nói riêng và của cả nước nói chung, việc sử dụng phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp tin học hóa quá trình lên thực đơn và quản lý bữa ăn bán trú của các trường, giải quyết được bài toán về thời gian. Hơn nữa, với các thực đơn được xây dựng từ phần mềm sẽ giúp đảm bảo chất lượng bữa ăn, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát được tình trạng suy dinh dưỡng, béo phì, đảm bảo cho sự phát triển của trẻ”.

Đồng hành cùng các trường

Từ tháng 3/2017, Công ty Ajinomoto bắt đầu phối hợp với các sở GD&ĐT triển khai “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” tại các trường tiểu học trên toàn quốc. Kon Tum là tỉnh thứ 38 được triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Thắng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong số 50 trường có tổ chức bếp ăn cho học sinh, 47 trường đã kết nối internet, chiếm tỉ lệ 94%; 24/50 trường có máy tính cho cán bộ làm công tác bán trú, là một trong những điều kiện thuận lợi để tiếp nhận và triển khai phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.

Cùng với đó, một số trường có cơ sở vật chất theo quy định, có bếp ăn một chiều được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; có phòng ăn, phòng ngủ rộng rãi, thoáng mát. Nhiều trường cũng đã có nhân viên y tế trường học hỗ trợ cho việc ăn, ở, sinh hoạt bán trú của học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các trường tiểu học bán trú còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức bữa ăn.

Tại hội nghị, nhiều trường boăn khoăn, việc tổ chức xây dựng thực đơn khó áp dụng với các trường vùng sâu, vùng xa.

Các thầy cô cho rằng, việc cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống cho học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa được hưởng theo chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và 15 kg gạo/tháng), theo mức hỗ trợ đó rất khó có đủ chi phí để triển khai thực đơn.

Hơn nữa, một hạn chế lớn nhất hiện nay, các trường có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung vào việc giải quyết bữa ăn cho học sinh sao cho học sinh ăn no, ăn ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chứ chưa có điều kiện và quan tâm thực hiện đến việc xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng, vùng miền một cách khoa học và hợp lý.

Tại hội nghị, các trường đã được nhận tài liệu hướng dẫn cách sử dụng phần mềm và sử dụng áp phích “3 phút thay đổi nhận thức”. Trước những khó khăn, thắc mắc của các trường, đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam chia sẻ, dự án đã đi khắp đất nước và có những hiệu quả nhất định.

Với vấn đề chi phí cho bữa ăn, công ty giải thích, thầy cô có thể sử dụng chức năng thay thế nguyên liệu để lựa chọn nguồn thực phẩm phù hợp mà vẫn đảm bảo tạo nên những thực đơn cân bằng dinh dưỡng nhờ vào phần mềm.

Một hạn chế lớn nhất hiện nay, các trường có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn tỉnh mới chỉ tập trung vào việc giải quyết bữa ăn cho học sinh sao cho học sinh ăn no, ăn ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi sử dụng phần mềm sẽ hỗ trợ giải quyết được hạn chế đó, giúp xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng, vùng miền một cách khoa học và hợp lý.

Đại diện công ty cho biết, ngay sau hội nghị, đại diện nhân viên công ty sẽ trực tiếp đến các trường để hướng dẫn cặn kẽ về việc sử dụng phần mềm, đồng thời chia sẻ các phương pháp tính toán nguyên liệu, thực phẩm triển khai ăn từng bữa, kinh nghiệm xây dựng thực đơn vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa phù hợp với chi phí thu hàng tháng.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác