Cải cách hành chính trong lĩnh vực khoáng sản: Cuộc đua "tốc độ" với thời gian

10/05/2018 18:00

​Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, lành mạnh hóa môi trường tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là một trong những ưu tiên của UBND tỉnh và ngành Tài nguyên và Môi trường hiện nay.

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Cuối tuần trước, tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại vào giữa trưa của chủ một doanh nghiệp nhỏ. Chị hồ hởi thông báo, hồ sơ xin cấp phép khai thác mỏ cát xây dựng của doanh nghiệp đã cơ bản hoàn tất, hiện đang được ngành chức năng kiểm tra để cấp phép.

Kể từ khi trúng đấu giá quyền khai thác đến giờ cũng mất mấy năm trời đấy chú ơi - chị kể - cuối cùng cũng đã đến chặng cuối. Có quá nhiều vấn đề rắc rối, liên quan đến các sở, ngành, địa phương cần phải giải quyết, trong khi chị không rành, cũng không có thời gian, đành nhờ hết cả vào đơn vị tư vấn.

Gặp Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Thanh Hải, tôi chia sẻ câu chuyện của nữ doanh nhân, anh cho hay, đến nay chưa trực tiếp nhận được phản ánh nào của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ liên quan đến lĩnh vực khoáng sản.

"Có thể là họ ngại - anh nói - nhưng theo tôi, trong những trường hợp này, doanh nghiệp có thể trực tiếp gặp lãnh đạo Sở cung cấp thông tin, hoặc phản ánh qua đường dây nóng, thư điện tử, để được giải đáp, cũng như giúp chúng tôi rà soát lại tất cả các khâu. Tôi cam đoan rằng, nếu khâu nào hoạt động không trơn tru, bộ phận nào gây khó dễ, phiền hà sẽ bị xử lý ngay".

Anh Hải khẳng định, trong thời gian qua, Ban Giám đốc Sở đã rất quyết liệt, sát sao trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành. Có thể nói, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, lành mạnh hóa hoạt động tiếp nhận, xử lý hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đang là một trong những ưu tiên của UBND tỉnh và ngành hiện nay.

Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cũng là giải pháp để ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: T.H

 

Và trên thực tế, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực khoáng sản do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, từ lập hồ sơ cấp phép thăm dò, lập hồ sơ phê duyệt trữ lượng, lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản, với tổng cộng 21 thủ tục hành chính, đều được rút ngắn thời gian đáng kể so với quy định. Tuyệt đối không có chuyện "ngâm hồ sơ".

Đơn cử như trong lĩnh vực lập hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản - anh dẫn chứng - theo quy định tại Luật Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian không quá 6 tháng, nhưng hiện nay ở cấp sở đã rút xuống còn 30 ngày, và trong quá trình thực hiện, Phòng Khoáng sản còn phải cắt giảm khoảng 1/3 thời gian nữa, tức là không quá 20 ngày.

Cần có sự phối hợp đồng bộ

Chúng tôi đang chịu áp lực nặng nề, đến từ yêu cầu thực tiễn và cuộc chạy đua tốc độ với thời gian - Trưởng phòng Khoáng sản Lê Văn Tấn vừa sắp xếp lại chồng tài liệu cao ngất ngưởng trên bàn làm việc vừa nói.

Phòng Khoáng sản hiện chỉ có 5 cán bộ, chuyên viên, trong khi lĩnh vực phụ trách rộng, với nhiều thủ tục hành chính đòi hỏi phải có trình độ chuyên sâu cũng như thời gian nghiên cứu hồ sơ, vì vậy, luôn trong tình trạng... quá tải. "Để vượt qua áp lực công việc không còn cách nào khác là hoàn thành nó, tôi thường động viên anh em như vậy"- anh Tấn chia sẻ.

Theo anh, để có được một giấy phép khai thác khoáng sản không chỉ có một mình Sở Tài nguyên và Môi trường, mà còn có Sở Kế hoạch và Đầu tư (thực hiện về chủ trương đầu tư), Sở Xây dựng (về thiết kế mỏ), chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, còn có các thủ tục liên quan đến đất đai, bến bãi... Nhiều khi, nguyên nhân của sự chậm trễ lại đến từ chính các doanh nghiệp.

Như trường hợp của chủ doanh nghiệp nói trên, cần phải rà soát lại từ đầu mới có thể xác định được vì sao chậm trễ, kéo dài, chứ không nên vội vàng cho rằng chậm là từ ngành Tài nguyên và Môi trường. Không loại trừ khả năng chủ doanh nghiệp "khoán trắng" cho đơn vị tư vấn, trong khi bên tư vấn hạn chế về năng lực chuyên môn, tài chính hoặc cùng lúc nhận nhiều việc nên không đủ nhân lực... dẫn đến chậm trễ.

Mặt khác, có một thực tế đã xảy ra (và một số doanh nghiệp đã bị xử lý) là doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng cố ý không thực hiện các hồ sơ, thủ tục xin cấp phép mà lợi dụng để khai thác trái phép, thu lợi bất chính. Đến khi bị phát hiện mới lo làm hồ sơ, sau đó kêu ca là chậm trễ.

Vì vậy, để đảm bảo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, lành mạnh hóa môi trường tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên có liên quan - anh Tấn kiến nghị.  

Trở lại câu chuyện của nữ doanh nhân nọ, tiếp cận với báo cáo tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại Bộ phận một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường, tôi phát hiện hồ sơ của doanh nghiệp chị mới nộp giữa tháng 4/2018, được hẹn ngày trả là cuối tháng 5/2018, như vậy là khoảng 45 ngày, trong khi đó, theo quy định là 3 tháng…

Với trường hợp này, chúng tôi đã rút ngắn một nửa thời gian theo quy định, và trong quá trình xử lý tiếp tục rút ngắn thời gian thêm 1 tuần nữa - chuyên viên trực tiếp xử lý hồ sơ cho hay.

Gọi điện thông báo tình hình, chị phấn khởi: Nhanh thế cơ à? Thế mà chị cứ tưởng hồ sơ của chị bị..."ngâm".

Thành Hưng

Chuyên mục khác