Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai: Giảm phiền hà, tăng hài lòng

14/01/2017 09:24

​Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh... là những việc mà ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã và đang làm nhằm giảm phiền hà, tăng hài lòng ở lĩnh vực đất đai...

Bắt đúng “bệnh”...

Theo báo cáo của UBND tỉnh về cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (chỉ số SIPAS) trong lĩnh vực đất đai, dù trước đây, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được quan tâm triển khai, nhưng vẫn còn đó những “căn bệnh” cần được “bắt mạch” đúng để giải quyết.

Cũng theo báo cáo trên, cải cách hành chính chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đến đầu năm 2016, vẫn còn 4/10 huyện thành phố chưa tổ chức tiếp nhận và trả kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận “một cửa” cấp xã (Đăk Glei, Kon Plông, Ia H’Drai và Tu Mơ Rông).

Nhiều địa phương chưa thực hiện rà soát và cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận, như thành phố Kon Tum và các huyện Kon Rẫy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Ia HDrai. Ở một số địa phương, thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu dài hơn so với thời gian quy định tại bộ thủ tục hành chính của tỉnh từ 15-20 ngày...

Đặc biệt - như đánh giá thẳng thắn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Đức Hạnh - nơi này nơi kia vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Vẫn còn dư luận về việc phải "bôi trơn" khi làm sổ đỏ, xuất phát từ thực trạng thủ tục cấp sổ đỏ còn rườm rà, phí và lệ phí chưa được công khai đầy đủ, người dân không nhận được kết quả đúng hẹn.

“Kê” đúng “thuốc”

Việc nhận diện đúng những tồn tại, hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực đất đai đã giúp ngành Tài nguyên và Môi trường có những giải pháp kịp thời để cải thiện, nâng cao chỉ số chỉ số SIPAS trong năm 2016.

Theo đó, tất cả thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đều được niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa) ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Bộ phận “một cửa” ở các cấp được kiện toàn lại, quan tâm bố trí vị trí làm việc, đầu tư trang thiết bị làm việc cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để người dân thực sự hài lòng khi tiếp cận với thủ tục hành chính về đất đai, ngành Tài nguyên và môi trường còn nhiều việc phải làm. Ảnh: T.H

 

Ông Nguyễn Đình Khải - Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở đã ban hành Quy chế mới về cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” áp dụng trong giải quyết các thủ tục hành chính trên nguyên tắc niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí tại bộ phận nhận và trả kết quả; bố trí cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giao tiếp để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ hành chính; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ phận chuyên môn; giải quyết nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân; bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử...

Sở Tài nguyên và Môi trường còn tổ chức và duy trì giao ban định kỳ hàng quý với các địa phương để nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các vi phạm khác trong quản lý, sử dụng đất đai; lập chuyên mục hỏi – đáp về thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử để trực tiếp trả lời, hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân nếu có nhu cầu.

“Giảm phiền hà, tăng hài lòng”

Là mục tiêu, cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đồng chí Nguyễn Đức Tuy- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện quyết liệt trong năm 2017 tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017của ngành.

Vì vậy - theo ông Phạm Đức Hạnh - ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2017, ngành đã bắt tay vào việc tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong lĩnh vực đất đai; đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để sửa đổi theo hướng cải cách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...

Bước sang năm 2017, ngành Tài nguyên và Môi trường có thuận lợi rất lớn là UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, thống nhất từ tỉnh xuống 10 huyện, thành phố. Đây sẽ là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính về đất đai, các hộ gia đình, cá nhân không phải qua nhiều cửa như trước đây.

Trực tiếp trao Giấy chứng nhận cho người dân cũng là một giải pháp được ngành Tài nguyên và Môi trường áp dụng gần đây để nâng cao chỉ số hài lòng. Ảnh: T.H

 

Chất lượng thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận sau khi thành lập Văn phòng sẽ được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh. Đồng thời, quy trình giải quyết, kiểm soát hồ sơ từ khi tiếp nhận đến giao cho từng cán bộ thụ lý sẽ từng bước được chuẩn hóa; khắc phục tình trạng tồn đọng, không đúng hẹn trong giải quyết hồ sơ và tiến tới cắt giảm 70% thời gian so với trước đây.

Còn rất nhiều việc phải làm để người dân thật sự hài lòng khi tiếp cận với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Ngành Tài nguyên và Môi trường phấn đấu từng bước loại bỏ rào cản, đảm bảo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực tài nguyên đất đai, vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước vừa tạo môi trường bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân- Giám đốc Sở Phạm Đức Hạnh khẳng định.

Thành Hưng

Chuyên mục khác