Cách mạng Tháng Tám và Nhà nước Việt Nam kiểu mới

19/08/2019 06:13

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và nhạy bén của Đảng, tháng 8/1945, nhân dân ta đã chớp thời cơ tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân.

Để chỉ rõ sự khác nhau căn bản giữa nhà nước mới và nhà nước trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Nhà nước phong kiến là công cụ của địa chủ để thống trị nông dân, nhà nước tư sản là công cụ của giai cấp tư sản để thống trị giai cấp công nhân. Song từ cách mạng Nga thành công, một xã hội mới ra đời, Nhà nước đã trở thành công cụ thống trị của nhân dân lao động. Nhà nước ta cũng là nhà nước của đại đa số nhân dân thống trị thiểu số phản động, để giữ gìn lợi ích của nhân dân”.

 Điểm nổi bật thể hiện bản chất nhà nước dân chủ mới đó là “trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân” và nền tảng của nhà nước ấy là “lấy công nông liên minh trí làm nền tảng đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước…”.

Tư tưởng ấy trở thành nguyên tắc hiến định, xuyên suốt từ hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp 1946 biểu đạt ở điều thứ nhất “Nhà nước Việt Nam là một nhà nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”, đến Hiến pháp năm 1959 tại điều 4, Hiến pháp 1980 tại điều 6, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 tại điều 2 đều khẳng định: Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân trực tiếp lập ra nhà nước, thông qua bỏ phiếu bầu ra các cơ quan nhà nước, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là: “Bầu ra các hội đồng nhân dân, ủy ban hành chính địa phương và quốc hội cùng chính phủ trung ương…”. Nguyên tắc bầu cử là phổ thông, bình đẳng trực tiếp bằng phiếu kín và “mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia”. Nhà nước Việt Nam mới với bản chất như thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành các cuộc kháng chiến vĩ đại, chống giặc ngoại xâm thống nhất Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ và xây dựng lại đất nước.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN.

 

Sau kháng chiến thắng lợi, đất nước thống nhất, tháng 7/1976, Quốc hội quyết định đổi tên nước thành Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Việc đổi tên nước không phải là thay đổi bản chất của nhà nước hay thay đổi chính thể, mà là để khẳng định một cách mạnh mẽ con đường mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng là con đường XHCN. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước, đó là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch vững mạnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực, thực sự là “công bộc” của dân, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Quá trình ra đời và phát triển của nhà nước Việt Nam kiểu mới, từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay có những đặc điểm:

Thứ nhất, mặc dù ở mỗi giai đoạn cách mạng, nhà nước ta thực hiện những nhiệm vụ khác nhau và có những bước phát triển khác nhau, nhưng bản chất nhà nước vẫn chỉ có một, đó là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.

Thứ hai, nhà nước Việt Nam kiểu mới là nhà nước có chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, là nhà nước của các dân tộc Việt Nam, với nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông nhân và đội ngũ trí thức.

Thứ ba, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân lao động, cơ chế thực hiện quyền lực đó là thông qua cơ quan dân cử là quốc hội và hội đồng nhân dân, với chế độ bầu cử các cơ quan này là phổ thông bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước gồm ba cơ quan: Cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, với cơ chế và nguyên tắc đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thứ tư, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước sự khẳng định đó không chỉ trên thực tế mà còn hiến định trong đạo luật cơ bản của nhà nước. Mặc dù tại Hiến pháp 1946 chưa đề cập, do tính chất gay go, phức tạp của bối cảnh lịch sử, nhưng trên thực tế Đảng vẫn lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo toàn dân tiến hành kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đến Hiến pháp 1959, sự lãnh đạo của Đảng được ghi nhận trong lời nói đầu và Hiến pháp 1980, 1992, 2013 khẳng định tại điều 4.

Việc ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng trong hiến pháp thể hiện tính nguyên tắc, sự thừa nhận và khẳng định vai trò của Đảng trên thực tế và trên pháp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, Đảng cầm quyền tức là chính quyền thuộc về nhân dân, mà chính quyền đó do Đảng lãnh đạo, nhằm thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức xây dựng đất nước giàu mạnh. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân.       

Tô Văn Tám

Chuyên mục khác