31/08/2020 13:05
Ông Nguyễn Văn Minh - Cán bộ hưu trí ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum là một trong số ít người cao niên còn sống trên địa bàn tỉnh được sinh ra trước Cách mạng Tháng Tám. Đã vào tuổi 90, sức khỏe giảm sút nhiều, song ký ức về tháng 8/1945 trên mảnh đất bên sông Đăk Bla thì vẫn còn đâu đó.
Theo cha mẹ người gốc Bình Định lên Kon Tum lập nghiệp, cậu bé Nguyễn Văn Minh may mắn được gia đình cho học chữ ở trường làng. Năm 1945, cậu bé 14 tuổi, chưa biết gì hai tiếng “Việt Minh”. Cho đến một hôm, từ sáng sớm, cậu bé đã thấy nhiều người từ vùng ven kéo nhau về trung tâm tỉnh lỵ. Đó là ngày 28/8/1945, tại cửa ngõ phía Bắc thị xã Kon Tum đã diễn ra một cuộc mít-tinh quy mô lớn, chào mừng Cách mạng Tháng Tám do Ủy ban lâm thời của Việt Minh tổ chức. Tại lễ mít-tinh, bác sĩ Hoàng Văn Lẫm - Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Kon Tum tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, xoá bỏ chế độ sưu thuế, lao dịch của thực dân, thành lập chính quyền của nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Nguyễn Văn Minh được vào lớp thiếu sinh quân, sau đó đi bộ đội, tham gia đánh đồn Kon Plông. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được đào tạo kỹ thuật thiết giáp ở Trung Quốc, Liên xô và trở thành giảng viên huấn luyện sĩ quan Tăng - Thiết giáp tại miền Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông về lại Kon Tum sinh sống. Cách mạng Tháng Tám đã cho tôi cuộc đời mới - ông Nguyến Văn Minh xúc động nói.
|
Ở tuổi 95, ông Phạm Liễm (tổ 9, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) không còn khỏe nữa, song những kỷ vật thời kháng chiến gian khổ thì vẫn được người cán bộ “tiền khởi nghĩa” này giữ kỹ. Vinh dự được đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 2/9/2020, đúng dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ông vô cùng vui mừng, xúc động.
Ngày ấy, cậu bé ở vùng quê nghèo ven sông gần biển (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sớm giác ngộ cách mạng, ban đầu vào tự vệ, dân quân ra sức giữ làng; đến ngày Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền ở thị xã Quảng Ngãi. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Trung đội phó Trung đội dân quân xã. Đầu năm 1950, ông Liễm thoát ly gia đình, đi bộ đội. Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc vào giai đoạn cam go, ông được chọn trong số cán bộ từ đồng bằng tăng cường cho tỉnh Kon Tum.
Ở vùng Nước Ring (Đông Trường Sơn) nơi tỉnh Kon Tum tiếp giáp tỉnh Quảng Ngãi, ông Liễm “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào DTTS nơi đây để tuyên truyền cho bà con về Việt Minh, về Bác Hồ và con đường Cách mạng.
Năm 1954, trong khi các đồng chí tập kết ra Bắc, ông ở lại căn cứ, tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ gây dựng cơ sở, giữ vững liên lạc, vận động bà con chăm lo sản xuất, chủ động nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cán bộ, bộ đội; xây dựng căn cứ vững mạnh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông công tác trong ngành bưu điện của tỉnh cho đến khi nghỉ hưu.
Anh Phạm Bình, con trai ông Phạm Liễm cho hay: “Nhiều kỷ vật thời chiến tranh được cha tôi tặng bảo tàng và ủng hộ cho tư liệu lịch sử của ngành bưu điện. Trong số các hiện vật còn được nâng niu, gìn giữ, ông quý nhất là hai chiếc klec (loại gùi dành cho đàn ông) đã gắn bó từ những năm 1971-1972 ở vùng Nước Chè, Nước Nót (nay thuộc xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông). Trong đó, một chiếc nhờ bà con làng Nước Chè đan cho, một chiếc được anh em ở làng Nước Nót kỷ niệm.
Là một trong số rất ít cán bộ lão thành trước Cách mạng Tháng Tám còn sống tại địa bàn tỉnh, ông Phạm Liễm luôn tự hào về một thời hy sinh, gian khổ ở vùng căn cứ không thể nào quên.
Thanh Như