Cách cho để người nhận cảm thấy ấm lòng

17/05/2020 13:00

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng tránh dịch bệnh Covid 19 lây lan trong cộng đồng theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ngành nghề tạm dừng hoạt động (kinh doanh vé số, xe vận tải hành khách, xe ôm, bán hàng rong…), người lao động mất việc làm, không có thu nhập nên chuyện lo bữa ăn hàng ngày với một số gia đình là khá vất vả.

Trước thực tế trên, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhiều việc làm thiết thực nhằm chia sẻ những khó khăn với những người yếu thế trong xã hội, những người dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Có những sự đóng góp xuất phát từ lời kêu gọi của các tổ chức, nhưng cũng có những sự hỗ trợ, đóng góp tự phát bắt đầu từ sự kêu gọi của một cá nhân, của một nhóm người trên mạng xã hội… Nhưng dù dưới bất kỳ hình thức nào thì những việc làm trên đã tạo ra sự lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng. Mỗi người có cách sẻ chia khó khăn của các đối tượng yếu thế trong xã hội bằng cách riêng mình. Người thì trích một ít từ số tiền hưu hàng tháng để mua vải, rồi cặm cụi may khẩu trang tặng cho người nghèo. Người thì giảm giá phòng trọ cho người thuê nhà; phát cơm, đồ ăn miễn phí. Người thì tặng tiền mặt, người thì góp bao gạo, thùng mì tôm, các nhu yếu phẩm cần thiết…

Có thể nói, trong khó khăn, các hoạt động từ thiện xã hội đã nhận được sự đồng lòng hưởng ứng trong toàn xã hội. Mỗi người một tay, mỗi người một chút, “của ít lòng nhiều” phần nào giúp cho nhiều mảnh đời vượt qua gian khó. Tất cả vì một mục đích tốt đẹp làm như thế nào để những món quà tặng đó đến tay người nhận một cách sớm và đúng đối tượng nhất, để có thể giúp người nghèo vượt qua khó khăn một nhanh nhất.

Trao tặng nước và đồ dùng cho khu cách ly của Bộ CHQS tỉnh. Ảnh: PN

 

Thực tế trong thời gian qua, những hoạt động từ thiện hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đều được các tổ chức, cá nhân triển khai một cách nhanh, gọn, hiệu quả ngay từ việc thống kê đối tượng cho đến chọn địa điểm, chọn quà tặng, thời gian tổ chức… Có địa phương như ở thành phố Kon Tum phát gạo cho người nghèo theo phương châm “ai cần cứ đến lấy”, không phân biệt người dân ở thành phố Kon Tum hay địa phương khác. Hay lực lượng đoàn viên thanh niên tặng gạo cho người nghèo, với tinh thần tiết kiệm tối đa để tăng được số lượng gạo và số đối tượng được nhận…Bởi vậy, người nhận quà cảm thấy được tôn trọng, được chia sẻ và tất cả đều bày tỏ niềm vui khi được nhận sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng.

Những hành động đẹp, giàu nhân văn này rất đáng được trân trọng. Nhiều người cho rằng, không chỉ trong dịch bệnh Covid-19, mà cả về sau này, những hoạt động thiện nguyện mang đầy tính nhân văn nhằm giúp cho những mảnh đời vơi bớt khó khăn cần khuyến khích phát triển. Bởi, lâu nay trong xã hội vẫn có không ít hoạt động từ thiện, quyên góp còn mang tính hình thức, đánh bóng tên tuổi, làm cho có, thậm chí gây ra những phản cảm, không hiệu quả và gây tổn thương đối với những hoàn cảnh khó khăn. Thực tế đã có nhiều vụ việc xảy ra: phát sữa gần hết hạn sử dụng, tặng thực phẩm không đảm bảo an toàn; tặng áo quần quá cũ hoặc không phù hợp; sách giáo khoa rách nát, gạo thì mốc… không thể nào sử dụng được.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”…là những truyền thống đạo lý mà ông cha chúng ta đã dạy các thế hệ con cháu về lẽ sống  biết chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Nhưng giúp đỡ bằng cách nào cũng là cả vấn đề. “Của cho không bằng cách cho”- đó là điều mỗi người chúng ta cần suy nghĩ…

Với những mảnh đời khó khăn, đặc biệt khi có biến cố, thiên tai…, những hoạt động từ thiện giúp đỡ, tặng quà luôn có ý nghĩa. Vấn đề là cách cho như thế nào để đem đến cho những người nghèo một cách hiệu quả nhất, ích lợi nhất và mang tính nhân văn nhất. Người cho vui, hạnh phúc khi chia sẻ được một phần khó khăn với những mảnh đời nghèo khó; người nhận có niềm vui của sự biết ơn, niềm vui khi nhận được sự sẻ chia của cộng đồng.

Sự giúp đỡ cho có theo kiểu phong trào, thiếu đi sự thực tâm, chân thành thì hiệu quả mang lại chưa cao, thậm chí có khi còn phản tác dụng. Vì vậy, giúp nhau trong lúc khó khăn không cốt ở ít hay nhiều mà cần ở cái tâm thật sự.

Bởi vậy, quý lắm cách cho của các tổ chức, cá nhân trong đại dịch Covid 19:  gắn kết với ngành chức năng, lựa chọn đúng đối tượng, đúng thời điểm và cả nhu cầu…, rất cần được tiếp tục nhân rộng để người nghèo vượt qua khó khăn.       

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác