Các mô hình tiêu biểu giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm

05/06/2024 13:05

Thực hiện Kết luận 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, các huyện, thành phố đã xây dựng 861 mô hình với kinh phí 94,5 tỷ đồng, trong đó có nhiều mô hình tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực.

Khi tham quan, tìm hiểu về mô hình trồng sầu riêng ghép tại huyện Sa Thầy, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự thành công của mô hình này. Đây là 1 trong 61 mô hình hỗ trợ bà con DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong 3 năm qua (2021- 2023) của địa phương.

Mô hình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bắt đầu triển khai vào năm 2022 tại xã Ya Xiêr trên diện tích 10 ha với 59 hộ DTTS tham gia (trong đó có 12 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo), tổng kinh phí gần 417 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. Hiện cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, tỷ lệ sống trên 75%, chiều cao từ 1,2 m -1,5 m, đường kính gốc 40-60mm.

Đồng bào DTTS làng Lung, xã Ya Xiêr chăm sóc sầu riêng. Ảnh: D.N

 

Năm 2023, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ bà con 7 xã trồng mới 60,25ha (Ya Xiêr 7ha, Hơ Moong 20,5ha, Ya Ly 6ha, Rờ Kơi 14,15ha, Ya Tăng 4,3ha, Sa Bình 3,9ha, Sa Nghĩa 4,5ha). Năm 2024, tiếp tục cấp hỗ trợ trên 5.200 cây sầu riêng (gần 30ha) cho 5 xã: Rờ Kơi, Hơ Moong, Ya Xiêr, Sa Nghĩa, Mô Rai. Hiện các xã đã hướng dẫn nhân dân đào hố, chuẩn bị đất và các điều kiện cần thiết để xuống giống đảm bảo đúng thời vụ.

Qua 3 năm triển khai mô hình, diện tích sầu riêng trồng mới của huyện tăng lên đáng kể, từ 10ha lên hơn 100ha, với gần 250 hộ đồng bào DTTS tham gia, trong đó có trên 100 hộ nghèo, cận nghèo. Hứa hẹn đem lại “cú hích” mạnh mẽ trong nỗ lực thoát nghèo bền vững của các hộ DTTS.

Đăk Hà là địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh về số lượng mô hình giúp bà con DTTS phát triển kinh tế, với 158 mô hình, trong đó phải kể đến mô hình hỗ trợ 5 hộ nghèo (Y Lam, Y Mọc, Y Nhao, Y Hang và A Hang) ở thôn Kon Rôn, xã Ngọc Réo nuôi dê của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Hà. Kinh phí thực hiện mô hình là 27,5 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 22,5 triệu đồng, còn lại do 5 hộ tham gia mô hình đối ứng). Sau gần 3 năm triển khai, từ cặp dê được hỗ trợ ban đầu, đàn dê đã phát triển lên trên 40 con, và 4/5 hộ thực hiện mô hình đã thoát nghèo.

Từ thành công bước đầu, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Hà vận động các hộ tiếp tục chăm sóc dê, nhân đàn để tăng thu nhập; đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào DTTS về hiệu quả của mô hình, tạo sức lan tỏa để bà con học tập, làm theo.

Cũng nỗ lực giúp bà con đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, huyện Đăk Tô đã xây dựng được 90 mô hình. Tiêu biểu là mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò sinh sản của 62 hộ đồng bào DTTS nghèo tại 9 xã, thị trấn do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ. Bà con tham gia mô hình được hỗ trợ tiền mua bò giống đang kỳ sinh sản, hướng dẫn làm chuồng, trồng cỏ. Đến nay, mô hình đang phát triển tốt và đã có thêm 28 con bê, nâng tổng số lượng đàn lên 150 con.

Phát huy lợi thế về du lịch, được sự định hướng của địa phương, bà con thôn Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông chọn phát triển mô hình Làng du lịch cộng đồng với 60 hộ tham gia (trong đó có 12 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo). Cùng với 140 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã mạnh dạn vay thêm 440 triệu đồng để tu sửa nhà ở, cảnh quan môi trường; nhân giống địa lan trồng tại 5 ngọn đồi xung quanh làng, nhằm tạo cảnh quan sinh thái, thu hút khách du lịch.

Hiện có trên 50% số hộ hoàn thiện, phục dựng các ngôi nhà sàn truyền thống phục vụ du lịch. Từ khi vào hoạt động (tháng 5/2023) đến nay, đã có gần 3.000 lượt khách (khách nước ngoài chiếm gần 50%) tới tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục hướng dẫn các hộ duy trì mô hình Làng du lịch cộng đồng để nhân rộng tại các thôn có điều kiện phát triển du lịch.

Đường thôn Plei Jơ Drợp, xã Đăk Năng sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: DN

 

Triển khai các mô hình giúp bà con DTTS phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 08, sau 3 năm, thành phố Kon Tum đã xây dựng được 147 mô hình, trong đó có rất nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con thay đổi tư duy, nhận thức như mô hình xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp tại thôn Plei Jơ Drợp, xã Đăk Năng.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công lộ, làm hàng rào kiên cố và hàng rào xanh, trồng hoa 2 bên đường, tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm vào chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra, bà con còn cải tạo vườn tạp để trồng cà phê, sầu riêng và các loại rau xanh cải thiện bữa ăn. Mô hình đã giúp bà con từng bước hình thành ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, được nhiều thôn làng đồng bào DTTS học hỏi, làm theo.

Sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động, đã có 22.700 lượt hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ phát triển kinh tế, 5.549 hộ DTTS thoát nghèo, 2.654 hộ DTTS thoát cận nghèo. Hiện toàn tỉnh còn trên 9.700 hộ nghèo và 5.867 hộ cận nghèo DTTS. Để tiếp tục hỗ trợ bà con DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu, các huyện, thành phố duy trì và đã xây dựng mới hàng trăm mô hình, trong đó đăng ký triển khai 13 mô hình cấp tỉnh.

Dương Nương

Chuyên mục khác