29/04/2020 06:07
Kể từ ngày học sinh nghỉ học tập trung vì dịch bệnh Covid-19, nhiều trường không có nguồn thu song vẫn phải cầm cự để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội… cho giáo viên. Thậm chí, không ít trường có nguy cơ phá sản, nguyên do cũng vì thời gian nghỉ học tập quá dài, trong khi hàng tháng vẫn trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền lương cho nhân viên, kinh phí duy trì hoạt động, hỗ trợ tiền để giữ chân giáo viên, trả tiền lãi vay cho ngân hàng, tiền điện, tiền nước... khiến nhiều chủ trường mầm non tư thục cầm cự chờ qua dịch bệnh.
Gần 3 tháng nay, Ban Giám hiệu Trường Mầm non tư thục Mickey (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) như ngồi trên đống lửa. Học sinh không đến trường, không có nguồn thu nhưng hàng tháng vẫn phải chi trả hàng chục triệu đồng để duy trì hoạt động, chưa kể tiền trả lãi vay ngân hàng.
Cô giáo Bùi Thị Ngọc Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Mickey chia sẻ: Trường Mầm non tư thục Mickey có 394 cháu với 55 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Nhà trường mới đưa vào hoạt động từ năm học 2017 - 2018. Trước đây, bình quân mỗi tháng nhà trường chi trả trên 300 triệu đồng tiền lương và đóng bảo hiểm cho giáo viên. Thời gian nghỉ hoạt động kéo dài đã và đang gây ra những ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của giáo viên và hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn thành phố Kon Tum trong đó có Trường Mầm non tư thục Mickey. Rất may vừa rồi tỉnh có thông báo cho học sinh bậc mầm non được đi học lại vào ngày 4/5 nên cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh đều rất vui mừng phấn khởi. Nếu thời gian nghỉ học tiếp tục kéo dài thêm nữa không ít cơ sở giáo dục tư thục sẽ đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn vì “gồng” không nổi nữa.
|
Gần 3 tháng qua không có nguồn thu nhưng nhà trường vẫn phải trả tiền cho nhiều chi phí khác như bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh, hỗ trợ để giữ chân giáo viên. Trong thời gian nghỉ để chống dịch, không chỉ nhà trường mà các giáo viên, nhân viên cũng rơi vào cảnh lao đao. Do nhà trường đóng cửa nên giáo viên, nhân viên đành phải nghỉ dạy không lương.
“Vừa rồi nhà trường đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19 thì Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời không giải quyết được và giải thích rằng, những người bị thất nghiệp do Covid-19 đã được Chính phủ hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng nên không được chi trả bảo hiểm thất nghiệp” - Cô giáo Bùi Thị Ngọc Huệ thông tin thêm với chúng tôi.
Tương tự, Trường Mầm non tư thục Sen Hồng (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) mấy tháng qua cũng gặp không ít khó khăn. Việc cơ sở giáo dục mầm non này đóng cửa không hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không chỉ khiến nhà trường lo lắng về những khó khăn tài chính mà còn không giữ chân được tất cả giáo viên khi trường mở cửa hoạt động trở lại.
Hiệu trưởng Trần Thị Ngoan cho biết, trong thời gian học sinh nghỉ học, mức hỗ trợ của cơ sở giáo dục không đủ trang trải cuộc sống, nhiều cô giáo đã xoay sang tìm những công việc khác làm thêm và bán hàng online... để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy phần đông các giáo viên đều yêu nghề, mến trẻ, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi lo lắng rằng, đến khi học sinh nhập học trở lại, có giáo viên sẽ không tiếp tục đi dạy mà lại theo nghề mới đỡ vất vả hơn. Hơn nữa, năm nay nhiều địa phương tổ chức thi tuyển giáo viên vào biên chế nên có không ít giáo viên trường tư thục nộp đơn thi vào trường công lập. Chính vì vậy, để giữ chân giáo viên, chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ lương cho người lao động trong thời gian nghỉ học với khả năng có thể. Thậm chí, chúng tôi còn cho giáo viên ứng tiền trước để tiếp tục đóng bảo hiểm nhằm không để bị gián đoạn tránh thiệt thòi về sau này. Số tiền đó nhà trường sẽ trừ dần vào thời gian sau khi học sinh quay trở lại học, bởi khi đó giáo viên mới có nguồn thu.
Để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, chúng tôi đã trực tiếp làm thủ tục đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian nghỉ dạy do dịch Covid-19 cho các giáo viên tham gia đóng bảo hiểm từ trước tới nay. Tuy nhiên, cán bộ của Bảo hiểm xã hội không giải quyết vì cho rằng nếu đã thất nghiệp thì tiền đâu đóng bảo hiểm trong thời gian nghỉ dạy do dịch bệnh Covid-19 ?
“Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để các giáo viên sớm được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, vì đây là quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Nghỉ tránh dịch bệnh Covid-19 là chỉ đạo chung của cả nước nên không thể chấm dứt hợp đồng bảo hiểm đối với các giáo viên tư thục được, nhất là các giáo viên đang thời kỳ thai sản và gia đình khó khăn để nhanh chóng khôi phục, phát triển, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà...”. - cô Trần Thị Ngoan nêu kiến nghị của mình.
Trước khó khăn hiện nay, các cơ sở tư thục mong muốn được miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội; được tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể vay vốn ưu đãi để duy trì hoạt động...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Sở đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch bệnh Covid-19. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ đều được đưa về UBND các huyện, thành phố để phát trực tiếp cho các đối tượng bị ảnh do dịch bệnh Covid-19, trong đó có giáo viên các đơn vị tư thục. Đối với chủ các cơ sở trường tư thục đang rất khó khăn về kinh tế trong thời gian nghỉ do dịch bệnh Covid- 19 thì Sở Giáo dục và Đào tạo cũng xin chia sẻ khó khăn, động viên các cơ sở tư thục cố gắng tự thân vận động để vượt qua, vì đây là tình trạng khó khăn chung mà tất cả các cơ sở tư thục cả nước phải đối diện.
Đắc Vinh