Cá tháng Tư- Vui thôi, đừng vui quá!

01/04/2024 18:03

Cá Tháng Tư, hay Ngày nói dối, diễn ra vào ngày 1/4 hàng năm. Đây là một phong tục phổ biến ở nhiều quốc gia. Trong ngày này, người ta có những trò đùa và nói dối vô hại, trò chơi khăm đánh lừa người khác nhằm mục đích mua vui cho bản thân và mọi người.
Ngày Cá tháng Tư phổ biến ở nhiều quốc gia. Ảnh minh họa

 

Cả trưa nay, ngày 1/4, phải nói là cả xóm tôi náo loạn chỉ vì một trò đùa trong ngày Cá tháng Tư. “Nạn nhân” của trò đùa là gia đình V., một chủ doanh nghiệp nhỏ, còn “thủ phạm” thì không phải ai khác, chính là nhóm bạn thân của V.

Chuyện là, khi cả xóm đang nghỉ trưa thì từ nhà V. có tiếng kêu khóc váng lên. Chưa kịp chạy ra xem có chuyện gì thì đã nghe tiếng đập cổng. Vợ của V. vừa khóc vừa mếu máo nói: Em phải lên bệnh viện huyện T. Không biết anh V. nhà em làm gì trên công trường mà bị tai nạn, đang nằm trên ấy. Anh chở em đi với.

Tôi cũng giật mình. Sáng nay anh em uống cà phê với nhau, V. có nói đi huyện có công việc. Chẳng lẽ nào…?

Vừa lấy xe ra, tôi vừa hỏi chuyện, mục đích là để cô vợ V. bình tĩnh lại. Thì ra, cô ấy vừa nhận được cuộc gọi của bạn thân, cũng là bạn làm ăn của V. báo tin cậu ta bị tai nạn ở công trường, tuy không nặng, nhưng cũng phải vào viện.

Cả xóm tập trung ở nhà V. Sau khi bàn bạc, mọi người thống nhất rằng tôi và một cậu thanh niên sẽ chở vợ V. đi. Những người còn lại trực ở nhà V., khi cần tôi sẽ điều động.

Nhưng khi xe chuẩn bị xuất phát thì… V. về. Mọi người bất ngờ lắm, xúm vào tra hỏi “thế không phải bị tai nạn à”. Đến lượt V. ngã ngửa: Tai nạn? Ai tai nạn?

Cô vợ, bây giờ đã hoàn hồn, vừa khóc (vì tức), vừa kể lại mọi chuyện. Bây giờ thì V. đã biết đây là trò đùa dại của đám bạn. Chẳng là khi ăn cơm trên công trường, vui miệng, V. mới thách đố mấy thằng bạn làm thế nào kêu được vợ cậu ta lên. Đám bạn “nhận kèo” ngay.

Em cũng đâu có nghĩ mấy thằng này lại nghĩ ra cái trò nghịch dại thế không biết- V. lúng búng nói. 

Tất nhiên là mọi chuyện được làm rõ. Vui đâu chẳng thấy, chỉ làm cho cả xóm được phen xanh mặt. Còn V. thì bị vợ “cấm cửa”, không cho chơi với mấy “ông bạn trời đánh” kia nữa.  

Tôi cũng từng là ““nạn nhân” của một vài trò đùa ác ý trong ngày Cá tháng Tư, tất nhiên là khi còn trẻ, nên rất cảm thông cho cô vợ V.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ngày Cá tháng Tư diễn ra vào ngày 1/4 hàng năm, tồn tại ở hầu hết các nước Châu Âu cũng như Bắc Mỹ.

Trong ngày này, người ta có những trò đùa và nói dối đánh lừa người khác một cách vô hại, hài hước, không mang nghĩa lừa lọc hoặc khiến người khác bực bội, mà chỉ nhằm tạo niềm vui hay trêu chọc ai đó.

Sau màn đùa và lừa, người đùa thường hét lên "Cá tháng tư" để giải tỏa thắc mắc và tiết lộ trò đùa.

 
Có thể là đây một ''cú lừa'' ngày Cá tháng Tư, khi chủ nhân có lời mời mà không xuất hiện. Ảnh: HL

 

Chưa có một nghiên cứu nào được tiến hành để chỉ ra ngày Cá tháng Tư du nhập vào nước ta từ bao giờ. Chỉ biết rằng ngày này đã và đang được giới trẻ yêu thích.

Bởi như đã nói, ngày Cá tháng Tư mang ý nghĩa như một ngày thư giãn, giúp bạn có những giây phút vui vẻ bên bạn bè và người thân. Những người xung quanh nhau sẽ bày ra một số các trò đùa hài hước để “lừa” nhau, hay nói như ngôn ngữ bây giờ là troll nhau.

Đó thường là những lời nói dối vô hại, vừa mang lại niềm vui mà vừa không ảnh hưởng đến người khác. Đôi khi là những cú lừa tạo nên những tràng cười sảng khoái, giúp giải tỏa căng thẳng, mệt nhọc trong cuộc sống, xóa nhòa khoảng cách giữa mỗi người.

Tất cả đều được “nạn nhân” vui vẻ chấp nhận và bỏ qua.

Tuy nhiên, không phải trò đùa nào cũng vui. Trên thế giới đã từng ghi nhận rất nhiều những trò đùa tai hại vào dịp Cá tháng Tư gây ra những hậu quả vô cùng khó lường. Thậm chí còn khiến cuộc sống của “nạn nhân” những trò đùa này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong ngày này, tôi cũng chứng kiến những trò đùa đi quá xa, vượt khỏi tầm kiểm soát, đem lại hậu quả khó lường. Một số bạn trẻ còn cho hay, bây giờ mà đùa kiểu “hẹn đi ăn, đi cà phê mà không đến”, hay báo “xe bị hỏng”, hoặc “cơ quan cúp điện, cứ nghỉ ở nhà” đã xưa như trái đất rồi. Phải lừa “ác” mới kịch tính, mới “phê”.

Vì vậy, dù thế nào cũng nên giữ chừng mực trong những trò đùa, trong từng lời nói dối. Hạn chế các trò đùa dai hay những vấn đề nhạy cảm; không nên để trò đùa của mình trở nên ác ý hay vô duyên, gây tổn thương người khác cũng như các mối quan hệ của bản thân.

Trước khi thực hiện, cần cân nhắc về tính cách của đối tượng và những vấn đề mà họ đang gặp phải để đưa ra lời nói dối, trò đùa phù hợp.

Cá tháng Tư thì vui, nhưng đừng vui quá!

Hồng Lam

 

Chuyên mục khác