18/06/2018 07:13
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin kể ra vài câu chuyện nghề và những nhìn nhận của mình từ những câu chuyện ấy.
Tôi không ở trong ngành Công an nhưng tình cờ một lần nọ, nghe 2 người bạn kể chuyện với nhau: “Sáng nay, xui thiệt, mới ra đường đã bị mấy “thằng” công an tuýt còi phạt hết cả triệu đồng…”. Không biết bạn nghĩ sao, chứ tôi thì cho rằng, cách gọi như vậy là không công bằng cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Giao thông.
Danh xưng “mày - tao” hay “thằng này”, “con nọ”… nhiều người vẫn cho rằng đó là một cách gọi thân mật. Tôi đồng ý, vì bạn bè thân của tôi từ nhỏ đến giờ vẫn hay xưng hô với nhau như vậy. Thế nhưng, đó là chuyện của những người bạn thân thiết, còn giao tiếp ngoài xã hội, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức Nhà nước sẽ bị xem là “thiếu vốn từ”, là không văn hóa, là mất đi giá trị đạo đức xã hội…
Bởi, khi bạn vi phạm Luật Giao thông đường bộ, hẳn Cảnh sát Giao thông mới “tuýt còi” để chấn chỉnh, để xử lý những vi phạm đã được ghi rõ trong luật, chứ không phải “tuýt còi” và xử phạt một cách vô căn cứ để bạn phải thay đổi danh xưng, hạ thấp địa vị xã hội của họ.
Cảnh sát Giao thông là người thực thi quyền lực Nhà nước để kiểm tra, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ. Để thực thi quyền lực ấy, họ có quyền “tuýt còi”, có quyền xử phạt vi phạm theo luật định…
Mà cái gì đã thành luật thì không chỉ riêng bạn, riêng tôi mà mọi công dân Việt Nam đều phải chấp hành.
Vì vậy, nếu có bị xử lý vi phạm đến cả triệu đồng đi chăng nữa thì bạn cũng đừng bao giờ vội trách, đổ hết tội lỗi lên họ, mà phải suy xét đến hành động đúng- sai của mình trước khi lên tiếng, hoặc xúc phạm danh dự hay nghề nghiệp của họ.
Tôi làm nghề báo. Nghề báo chúng tôi đang đeo mang nhiều lúc cũng bị tổn thương bởi những cách xưng hô thiếu thiện cảm như vậy của một số người trong xã hội.
Đến dự một sự kiện có đông nhà báo cùng tham gia, bạn nghĩ sao, khi nghe văng vẳng đâu đó một câu nói phát ra từ đám đông: “Nhìn mấy thằng nhà báo nhao nhao chụp ảnh rất lộn xộn”(!)
Tôi đã từng nghe câu nói này của một ai đó phát ra từ đám đông. Tôi không buồn vì câu nói của một con người thiếu suy nghĩ, tôi chỉ buồn vì nghề nghiệp mình bị xúc phạm. Dù đang phải tác nghiệp lẫn trong đám đông nhưng trong thâm tâm mình, tôi rất muốn gửi tới “người ấy” lời nhắn nhủ rằng: “Hãy làm nghề như tôi đi, rồi bạn sẽ biết!”.
Bạn biết không, để có một bức ảnh đẹp, nhất là những bức ảnh của các nguyên thủ quốc gia hay sự kiện quan trọng, nếu không lăn xả, không có sự hy sinh, không linh động tìm cho mình một góc máy đẹp là coi như bạn đã đánh mất đi rất nhiều giá trị của thông tin cần mang đến cho người đọc.
Một lần ngồi ở quán cà phê, tôi tình cờ nghe một người khách lướt mạng đọc thông tin về một nhà báo “tống tiền” doanh nghiệp phán một câu mà nhói cả lòng: “Lại mấy thằng nhà báo đi làm tiền”…
Tức! Giận! Nhưng tôi kìm nén cảm xúc của mình. Bởi tôi biết, xã hội, nghề nghiệp nào thì cũng có người này, người kia. Nhưng tôi luôn thắc mắc, tại sao họ hay có suy nghĩ kiểu quy chụp như vậy? Tại sao mới chỉ nghe qua một trường hợp hay một vài trường hợp mà đã quy chụp cho cả ngàn nhà báo đang công tác trong các cơ quan báo chí nói chung.
Thực tế trên các phương tiện truyền thông đại chúng gần đây cũng có đăng tải những clip về cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ hay thông tin về phóng viên báo chí “tống tiền” doanh nghiệp. Cũng như những đồng nghiệp của mình và những người làm báo chân chính, chúng tôi rất buồn khi đọc những thông tin này, vì danh dự nghề nghiệp.
Nhưng đó là một vài câu chuyện về những người giả danh nhà báo hay mượn danh nhà báo để trục lợi, chứ không phải là chuyện của cả một làng báo; nên đừng đánh đồng số ít cho cả một cái nghề mà xã hội đã phân công công việc cho họ.
Năm 2017, theo thống kê của Liên đoàn Nhà báo quốc tế, số lượng nhà báo, phóng viên điều tra thiệt mạng do bị giết tại khắp nơi trên thế giới là 54 người, trong đó có một nữ phóng viên tự do người Đan Mạch bị chặt đầu, vứt xác xuống biển hay vụ nữ phóng viên phanh phui vụ “hồ sơ Panama” bị thiệt mạng do xe bị cài bom đã dấy lên hồi chuông báo động về những nguy cơ đối với các phóng viên điều tra.
Tháng 10/2017, nghe tin nhà báo Đinh Hữu Dư (cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái) bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp trong vùng lũ quét ở Yên Bái, cũng như bao đồng nghiệp của mình, tôi nghĩ đến sự nguy hiểm mà nghề mang đến… Thương cảm và xót xa nhưng biết làm sao khi nghề của chúng tôi là vậy, phải dám lăn xả, dám hy sinh, tất cả vì lương tâm và trách nhiệm của một người làm báo.
Nhưng nói đi cũng phải nhìn lại, nghề nào cũng có người này và người nọ, có người có đạo đức, trách nhiệm và có tâm với nghề, nhưng cũng có người bất chấp lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Người làm nghề khám chữa bệnh, được xã hội trân trọng gọi là “bác sĩ”, nhưng cũng có trường hợp rất thờ ơ với mạng sống của con người như một số trường hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu…
Qua bài viết của mình, tôi mong muốn xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về các ngành nghề. Và tôi cũng muốn chia sẻ một điều: đừng lấy một vài cá nhân mà đánh đồng, mà quy chụp cho cả một tập thể, sẽ rất bất công cho những người làm nghề chân chính.
Tú Quyên