Bước chuyển hướng chiến lược

29/09/2021 06:13

Từ “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 là bước chuyển hướng chiến lược để nước ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi tin chắc rằng, “chuyển hướng chống dịch” đang là từ khóa nằm trong top hot nhất hiện nay trên công cụ tìm kiếm Google.

Chiều 27/9, tôi chỉ mất 0,51 giây để thấy được 185.000.000 kết quả. Con số này cho thấy sự quan tâm của xã hội lớn tới mức nào đối với quan điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.

Là một người có bệnh nền, nên như bao người có bệnh nền khác, tôi là đối tượng dễ mắc Covid-19, và một khi mắc bệnh, sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh. Vì vậy, tôi luôn là người ủng hộ mạnh mẽ chủ trương giãn cách xã hội một cách nhanh chóng, triệt để, trên diện rộng bất cứ địa phương nào xuất hiện ca Covid-19 cộng đồng.

Tôi càng ủng hộ quan điểm làm tất cả để hướng tới mục tiêu "không có Covid" trong suốt thời gian qua ở nước ta. Chỉ khi ấy, mọi người mới được an toàn để làm ăn, học hành- tôi nghĩ.

Nhưng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (với biến chủng Delta) bùng phát,  ngày càng có diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, lan rộng ở các tỉnh, thành phía Nam, với hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh, đã làm tôi thay đổi dần cách nhìn.

Khi đọc báo mỗi ngày, tôi bắt đầu để ý đến những tiếng nói khác với quan điểm của mình, đặc biệt là các chuyên gia, bác sĩ, và nhận ra, họ có nói đúng. Hoàn thành mục tiêu “không có Covid” đã là điều không thể.

Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch tốt hơn là bước chuyển hướng mang tính chiến lược. Ảnh: HL

 

Thực tế cho thấy, đối với nước ta, việc chống dịch chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh, hoàn thiện, mở rộng dần. Cho nên, tôi thật sự vui mừng khi nhận thấy rằng, trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 này, các nhà quản lý, hoạch định chính sách đã có sự chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh chiến lược.

Ở tầm vĩ mô, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, sáng tạo trong chiến lược chống dịch, nhất là sự điều chỉnh từ cuối tháng 8/2021, từ “tập trung” sang kết hợp hài hòa giữa “tập trung, thống nhất” với “phân công, phân cấp, phân quyền”, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn.

Liên tục trong 2 ngày 22-23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện 1099/CĐ-TTg và Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Điểm nhấn đáng chú ý của các Công điện này là chủ trương: Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Với sự thay đổi chiến lược ấy, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát và có chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách. Số ca mắc mới giảm, số ca điều trị khỏi tăng; tỷ lệ tử vong có chiều hướng giảm dần từng ngày, từng tuần… cho thấy hiệu quả rõ rệt của chiến lược mới.

Một trong những quan điểm mới được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 sáng 26/9 là “Chống dịch và phát triển kinh tế phải song song”.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ: Mục tiêu của chúng ta là chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch tốt hơn. Nếu chỉ tập trung chống dịch chúng ta sẽ hết nguồn lực, còn chỉ lo kinh tế sẽ không bảo vệ được sức khỏe nhân dân. Điều này cho thấy bước chuyển hướng mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay.

Doanh nghiệp mong muốn được tái khởi động sản xuất, trong điều kiện đảm bảo “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Ảnh: H.L

 

Có quá nhiều nỗi lo bủa vây "cơ thể" doanh nghiệp đang mệt mỏi, còn chưa kịp hồi sức sau 3 làn sóng Covid- 19 trước đó. 

Đợt dịch lần này phức tạp, đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái "zero Covid". Nếu giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp sẽ “sụp đổ". Vì vậy, sống chung lâu dài với dịch bệnh, không đặt mục tiêu khống chế tuyệt đối, thích ứng và có cách làm phù hợp là điều mà các doanh nghiệp phải hướng tới.

Cũng xin được nói thêm rằng, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt quan tâm đến bước chuyển hướng chiến lược này. Bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, thậm chí có thể "chết" bởi dịch bệnh Covid- 19. Và trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp hiện đang trong tình trạng "chết lâm sàng".

Vì thế, tôi rất hiểu vì sao cộng đồng doanh nghiệp lại phấn khởi đến như vậy. Với chủ trương thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng, chống dịch bệnh, cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế. Điều đó có nghĩa, các doanh nghiệp sẽ được tái khởi động sản xuất, tất nhiên là phải đảm bảo “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Thay đổi quan điểm phòng, chống dịch theo hướng “thích ứng để an toàn và kiểm soát hiệu quả” thay vì “tập trung tiêu diệt” và “bóc tách triệt để F0” chính là chìa khóa để chúng ta có thể sống chung với Covid-19 một cách yên ổn. Dù cuộc sống sẽ không thể trở lại như cũ, nhưng được tiếp tục sinh hoạt, học hành và làm việc đã là hạnh phúc.

Lẽ dĩ nhiên, thay đổi về chiến lược trong cuộc chiến với Covid-19 không bao gồm thay đổi các biện pháp phòng dịch cụ thể. Vì vậy, mỗi người vẫn phải nghiêm túc thực hiện 5K!  

Hồng Lam

Chuyên mục khác