Bức di họa không màu

13/08/2021 13:24

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn người bị phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC), trong đó không ít trường hợp là F2 (thế hệ cháu). Vẫn phải gánh chịu những nỗi đau mà chất độc hóa học tai ác kia để lại, song những trường hợp F2 này chưa được hưởng chế độ phù hợp. Chúng tôi gọi họ là những “bức di họa không màu”.

Có lẽ không bao giờ bà Y Đa, 70 tuổi, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin huyện Kon Rẫy quên được buổi trưa định mệnh bơi qua sông Pô Kô vào tháng 6 năm 1969. “Năm ấy, tôi cùng anh chị em đoàn văn công của tỉnh biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại huyện H67 (nay là huyện Sa Thầy). Chúng tôi đến sông Pô Kô vào giữa trưa. Lúc ấy không có thuyền vận chuyển nên mọi người đều bơi qua sông bằng cách nắm tay vào sợi dây thừng cột nối hai đầu bờ sông, bên kia sông có người đứng kéo dây. Lúc bơi qua sông Pô Kô, tôi nhìn thấy nước sông nổi bọt màu nâu nâu, trắng trắng như màu cà phê sữa. Khi tiếp bờ sông bên này, tôi nhìn xung quanh thấy cây cối bị phủ một lớp trắng xóa, nhiều cây bị trụi hết lá, trơ cành. Đã quá trưa, chúng tôi xúm xít nấu cơm, người lên rẫy tìm những đọt rau bí còn sót lại mang về nấu canh, thấy nổi bọt nhưng chúng tôi vẫn cứ ăn vì thức ăn không có gì ngoài rau. Mà thật tình lúc đó, chúng tôi không biết gì về sự độc hại của chất độc hóa học và hệ lụy của nó” – bà Y Đa bần thần nhớ lại.

Sau ba ngày bơi qua sông Pô Kô, bà Y Đa bị một cơn đau lưng dữ dội, cũng không biết mình bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ rải xuống. Tuổi xuân, sức khỏe dồi dào, những cơn đau thời trẻ trôi qua chóng vánh, nên bà nghĩ đơn giản chỉ là ốm đau lặt vặt. Mãi đến khi lập gia đình lần lượt sinh 3 người con, bà mới nhận ra sức khỏe của mình không còn như trước là do ảnh hưởng chất độc hóa học của buổi trưa định mệnh ấy.

Phóng viên Đài PT-TH tỉnh trò chuyện với bà Y Đa. Ảnh: NM

 

Bà Y Đa vừa chậm rãi kể, vừa loay hoay kéo tay áo lên gãi gãi. Hỏi ra, mới biết khoảng vài tháng trở lại đây, khắp người bà nổi từng nốt đen rất ngứa, gãi nhẹ các nốt vỡ ra, gây viêm loét da, song do dịch Covid -19 nên bà chưa dám ra khỏi địa bàn để khám bệnh.

Chồng của bà Y Đa ở làng Nước Cua, xã Nước Lò (nay là xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông) cũng bị ảnh hưởng của chất độc hóa học, khi ông từ ngoài Bắc trở về quê công tác vào năm 1962. Ông bà gặp nhau, sinh con trai đầu lòng năm 1973. Cậu con trai không may đau ốm triền miên, mất năm 43 tuổi lúc đang công tác tại xã Hiếu, huyện Kon Plông. Trước khi mất, chân tay cậu bị teo lại, người yếu dần dần. Cậu con trai thứ hai của bà, có con gái sinh năm 1999, hiện là sinh viên, bị ảnh hưởng chất độc hóa học, bàn chân của cháu bị đen, một trái chân cứ to dần lên.

Bà Y Đa cho biết, huyện Kon Rẫy có 44 người bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin; 18 người trong số này tham gia kháng chiến, 26 người là thế hệ thứ 2. Đời sống của các gia đình cơ bản đủ ăn, song khó khăn của họ chính là thế hệ thứ 3 (F2 cháu) nghi nhiễm CĐDC, hiện đang hưởng chế độ người khuyết tật vì việc giám định chất độc hóa hóa học không hề dễ. Nhiều ông bà, cha mẹ luôn cảm thấy như mình có lỗi và lo lắng, sau khi họ qua đời, con cháu nghi nhiễm CĐDC sẽ sống ra sao, ai chăm sóc chúng.

Như trường hợp con và cháu của ông Phan Văn Minh ở thôn 14, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Ông Minh năm nay 68 tuổi, là bộ đội tham gia chiến trường Lào năm 1970, Tây Nguyên năm 1974 -1975, rồi đến miền Đông Nam bộ, năm 1981 ông phục viên về quê hương Vĩnh Phúc. Ông được hưởng chế độ chất độc da cam vì đã từng bị phơi nhiễm CĐDC trong thời gian ở chiến trường. Cơ duyên đã đưa ông trở lại huyện Kon Rẫy (huyện Kon Plông cũ) vào năm 2001.

Ông có 5 người con, con trai thứ tư sinh năm 1985 bị hở hàm ếch độ 2, mổ năm 1998, được xác định bị ảnh hưởng CĐDC 24%. Cô con gái thứ hai sinh năm 1980, đã lập gia đình nhưng khó khăn về đường con cái. Con đầu lòng của cô ấy hiện nay 16 tuổi bị nhũn não, liệt tay phải, động kinh; lần mang thai thứ hai của cô được cặp sinh đôi có chung 1 quả tim không giữ được khi thai nhi 6 tháng; lần sinh thứ ba vào năm 2008 cô sinh được cô con gái khỏe mạnh đến giờ. Theo ông Phan Văn Minh, con trai, con gái và cháu ngoại của ông đều chịu ảnh hưởng chất độc hóa học từ chính ông nhưng tất cả chưa được hưởng chế độ CĐDC.

Hội NNCĐDC thành phố Kon Tum tặng quà cho cháu ngoại ông Hứa Xuân Soan. Ảnh: NM

 

Tương tự, ông Hứa Xuân Soan (70 tuổi) ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, có cháu ngoại 11 tuổi nghi ảnh hưởng CĐDC không đi lại được. Việc chăm sóc cháu hằng ngày từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều do vợ chồng ông đảm nhận vì dành thời gian cho cha mẹ cháu đi làm công kiếm tiền. Mẹ cháu bé cũng bị ảnh hưởng chất độc hóa học, liệt dây thần kinh số 7, khuyết tật về cơ mặt và nói.

Theo lời kể của vợ ông Soan, bà đã 1 lần bị sảy thai, 6 lần sinh nở, nhưng hiện tại ông bà còn lại 3 người con. Cả ba người con đều giống nhau về bệnh tật, khi đến gần tuổi biết đi thì xuất hiện triệu chứng teo chân, nói khó khăn.

Ông Soan cho biết, các con và cháu ngoại của ông bị ảnh hưởng CĐDC từ ông. Ông tham gia Bộ Tư lệnh Công an vũ trang ở Vĩnh Phú, đầu năm 1972 hành quân từ Quảng Trị vào công tác tại Kon Tum cho đến khi về hưu. Ông bị nhiễm CĐDC vào lúc nào cũng không hay biết. Cháu ngoại của ông hiện đang hưởng chế độ người khuyết tật.

Bà Y Đông và các con. Ảnh: NM

 

Một trường hợp khác ở huyện Kon Rẫy cũng khiến chúng tôi không khỏi xót xa là hoàn cảnh của vợ chồng ông A Đầng - bà Y Đông ở thôn Kon Mông Tu, xã Đăk Tơ Lung. Ông A Đầng tham gia bộ đội từ năm 1971, trong thời gian đó, ông đi nhiều nơi trong tỉnh, bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Ông và bà lấy nhau năm 1978, sinh được 7 người con nhưng hiện tại còn lại 5 người, trong đó, Y Bế sinh năm 1985 và A Bông sinh năm 1987 đều bị thần kinh. Cả 2 đều không tự làm chủ được bản thân, trong đó A Bông khiến ông bà vất vả hơn cả. Người nhà thường phải đưa cháu ra sau nhà, cột tay vào cây me để không phá phách, cha mẹ yên tâm làm lụng, sản xuất. Đêm đến, A Bông được đưa vào nhà, ngủ trên ghế, một tay vẫn phải cột vào ghế thì cả nhà mới ngủ yên.

Y Bế và A Bông hiện được hưởng chế độ bị ảnh hưởng CĐDC mỗi tháng, song tiền hỗ trợ không đủ để ông bà chăm lo cho các con. Vợ chồng bà ngày ngày chăm chỉ lao động, sản xuất. Nhà có 2 sào ruộng nước, 1 ha cà phê, 2 ha mì, có thêm máy xay gạo, cộng với lương thương binh của ông A Đầng, tiền hỗ trợ bị ảnh hưởng CĐDC của chồng và các con, gia đình đủ trang trải cuộc sống. Điều bà lo lắng nhất là đến một ngày vợ chồng bà không còn nữa thì ai sẽ chăm lo cho các con, bởi anh chị cũng không bằng cha mẹ.

Theo bà Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, hiện nay tỉnh Kon Tum còn 8/10 huyện chưa có chủ trương khảo sát thống kê nạn nhân CĐDC/dioxin thế hệ F2, do không có nguồn kinh phí thực hiện. Trước đó, thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TW ngày 19/2/2013 của Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam về việc khảo sát thống kê thí điểm nạn nhân CĐDC thế hệ F2, ngay trong năm 2013 được sự hỗ trợ của Trung ương Hội, Hội nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã chọn, phối hợp khảo sát tại thành phố Kon Tum phát hiện có 281 cháu và huyện Đăk Hà có 108 cháu bị khuyết tật về vận động, bị khuyết tật về nghe nói, bị khuyết tật về hạn chế học hành, bị khuyết tật về hạn chế về nhìn, bị khuyết tật về ảnh hưởng động kinh và bị khuyết tật về hành vi xa lạ. Có điều, 8 năm qua tên tuổi của các F2 vẫn còn nằm trong máy tính, trên giấy tờ do chưa có chế độ của Nhà nước đối với các đối tượng này.

Những người bị nhiễm, nghi nhiễm chất độc hóa học tôi đã gặp, trò chuyện, tất cả chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khó, họ luôn vững vàng và mạnh mẽ tiến về phía trước, biến những vùng đất khô cằn thành vườn cây trái ngọt ngào. Song, ở họ luôn có sự áy náy, băn khoăn về thế hệ F2 cháu mới dừng lại ở mức nghi nhiễm chất độc hóa học, đó là “bức di họa không màu” mà ở thời ông bà, cha mẹ họ ít nghe đến.

 F2 - “ Bức di họa không màu” vẫn hiện hữu trong gia đình bà Y Đa, ông Phan Văn Minh, ông Hứa Xuân Soan… mà mắt thường không dễ nhìn thấu, họa sĩ tài tình đến mấy cũng không dễ dàng vẽ được bằng ngòi bút của mình.

Ngọc Mẫn

 

                                                                                

 

Chuyên mục khác