"Bóng cả" của thôn Kon Cheo

16/05/2025 13:18

Trong xây dựng đời sống văn hóa phát triển kinh tế, gìn giữ khối đoàn kết ở thôn, làng, khu dân cư, người cao tuổi, nhất là già làng, luôn đóng vai trò quan trọng. Già làng A Kong ở thôn Kon Cheo, thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) là một người như thế.

Thôn Kon Cheo có 226 hộ với 1.115 khẩu; trong đó, người Xơ Đăng chiếm trên 85%. Nhiều năm trước đây, người dân của thôn Kon Cheo thường canh tác cây lúa, cây mì, chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống còn nhiều khó khăn. Là người lớn tuổi, có uy tín trong thôn, già làng A Kong trăn trở tìm cách giúp bà con vươn lên trong cuộc sống.

Già làng A Kong thường xuyên thăm hỏi, động viên các hộ gia đình. Ảnh: Đ.V

 

Nghĩ là làm, già A Kong đã bàn với các ban nhân dân thôn, các đoàn thể trong thôn tổ chức họp dân để bàn cách làm ăn, vận động người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Nghe tổ chức họp thôn để tìm cách phát triển kinh tế, bà con trong thôn đều ưng bụng. Tuy nhiên, vốn quen trồng mì, lúa rẫy, lúa nước mỗi năm 1 vụ nên bà con không nắm được kỹ thuật trồng các cây trồng khác. Già A Kong đã có ý kiến với UBND thị trấn Đăk Tô đề nghị mời kỹ sư nông nghiệp về tận thôn hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.

Nghe cán bộ hướng dẫn, bà con vẫn chưa tự tin nên chưa dám làm theo. Già A Kong xung phong làm trước, đồng thời, động viên người thân quen, bà con trong dòng họ, hàng xóm làm theo. Già còn vận động bà con có đất canh tác gần nguồn nước trồng lúa nước 2 vụ, trồng thêm cà phê, bời lời và một số cây ăn trái quanh vườn nhà. Đối với đất rẫy trồng mì lâu năm kém hiệu quả, ông vận động bà con cải tạo đất trồng cao su, sầu riêng. Sau một thời gian ngắn thấy cây trồng phát triển tốt, lúa nước cho năng suất cao, người dân trong thôn đã làm theo. Hộ gia đình nào khó khăn, già A Kong vận động hộ khá giả hỗ trợ cây giống. 

A Kong thường đến tận nhà từng hộ dân để thăm hỏi, động viên làm ăn. Ảnh: ĐV

 

Những lúc rảnh rỗi, già A Kong đến nhà các hộ dân hướng dẫn bà con biết tranh thủ thời gian lúc nông nhàn để đi làm thuê, tăng thu nhập cho gia đình tùy vào điều kiện, sức lực của mỗi gia đình. Chính vì vậy, đời sống người dân trong thôn từng bước cải thiện đáng kể; nhà cửa được sửa sang, xây mới khang trang. Đến nay, trong thôn Kon Cheo không còn hộ đói giáp hạt, hộ khá giả ngày càng tăng, cùng với sự hỗ trợ tiền từ phía Nhà nước, 8 hộ còn nhà tạm trong thôn đã thêm tiền để xây dựng, sửa sang lại nhà mới.

Không chỉ hướng dẫn cách làm ăn, già làng A Kong còn tích cực chăm lo đời sống tinh thần của bà con. Tại các buổi sinh hoạt thôn, già A Kong thường đưa những vấn đề về xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, cho con em đi học, xây dựng nông thôn mới ra bàn bạc, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Với uy tín và hiểu biết của mình, già làng A Kong luôn là người đứng ra hòa giải những mâu thuẫn, xích mích trong thôn, từ việc thanh niên gây gổ đến mâu thuẫn trong gia đình, mọi người đều tín nhiệm mời già A Kong đến phân xử. Bằng uy tín, kinh nghiệm và tình cảm của mình, già A Kong tham gia hòa giải các vụ việc một cách tốt đẹp, mâu thuẫn được xóa bỏ.

Từng trải qua nhiều vị trí công tác trong thôn như nhân viên y tế, công an viên, trưởng ban công tác Mặt trận, phó trưởng thôn, dù ở vị trí nào già làng A Kong vẫn mong muốn thôn Kon Cheo ngày càng tiến bộ. Người dân trong thôn dường như chẳng khi nào thấy ông nghỉ ngơi, bởi với ông, còn sức khỏe là còn làm việc, còn đóng góp cho thôn, làng. Với những đóng góp tích cực, ông được các cấp, các ngành ghi nhận tặng bằng khen, giấy khen trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. "Già A Kong là "bóng cả" của thôn Kon Cheo này"- bà con tự hào nói như vậy.

Đắc Vinh

 

Chuyên mục khác