10/08/2018 14:11
Ngày 9/8, chúng tôi tìm về làng Kon Hngo Klah. Ông A Thên - bố của em A Jơng ngồi thẩn thờ trước cửa. Gương mặt của người đàn ông này đượm buồn vì lo lắng cho đứa con trai không biết hiện giờ ra sao.
A Thên buồn bả nói: Từ khi sinh ra đến lúc đi học, A Jơng đâu có ra khỏi làng. Đường sá không biết đâu là đâu. Vậy mà vì nghe lời rủ rê của bạn bè, nó đã bỏ nhà đi từ đầu tháng 3/2018 đến giờ, không nói với bố mẹ một lời nào. Tìm hiểu qua bạn bè mới biết là nó đã đi vào tận Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng không biết cách nào liên lạc được với nó.
“Mấy hôm nay, nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang vừa giải cứu 12 lao động bị ép làm ngư phủ không công trên biển vào đêm 27/7/2018, trong đó có A Jơng và A Trưng; và chỉ sau 2 ngày giải cứu và xử lý sự việc, cả 12 lao động này đã được hỗ trợ mua vé xe để trở về địa phương, gia đình tôi “điếng” người. Nghe thông tin là vậy nhưng từ hôm đấy đến giờ, gia đình tôi trông chờ mãi mà chẳng thấy con trở về nhà” - ông A Thên gạt nước mắt kể.
A Jơng là con trai thứ 5 của vợ chồng ông A Thên (gia đình A Thên có 6 người con). Dù gia cảnh rất khó khăn nhưng vợ chồng ông A Thên vẫn cố gắng đi làm thuê, làm mướn để nuôi con ăn học. Thời điểm A Jơng bị bạn bè rủ rê trốn nhà đi vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm, em đang học lớp 9.
Lo lắng cho con, vợ chồng ông A Thên bảo cô con gái thứ 4 tên Y Liêu vào Thành phố Hồ Chí Minh (trước đó cũng đã vào Thành phố Hồ Chí Minh đi làm thuê nên biết đường sá) để tìm kiếm em trai. Y Liêu cho biết, em đã vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm em trai 2 lần mà không lần nào gặp được.
Nghe con gái kể chuyện với chúng tôi, gương mặt ông A Thên càng đượm buồn. Ông nói: Bây giờ không biết con ở đâu. Nó cũng không bao giờ liên lạc về với gia đình nên cũng không có manh mối nào để mà tìm kiếm. Bây giờ mong sao các cấp chính quyền địa phương giúp đỡ để có thể giúp đỡ gia đình sớm đưa cháu trở về.
Rời nhà A Thên, chúng tôi tìm đến nhà của A Trưng ở cùng làng Kon Hngo Klah.
Bà Y Him (sinh năm 1964) - mẹ của A Trưng kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh thật đáng thương của gia đình bà.
Bà có có 12 người con. Chồng bà - ông A Đúp bị mù do rà phá bom mìn và đã mất năm 2015. Năm 2016, con trai thứ 4 của bà - tên A Đôi bị tai nạn giao thông cũng bỏ bà ra đi. Năm 2017, đứa con gái út - Y Wá (đang học lớp 6) lại bị đuối nước. A Trưng là con thứ 7 trong gia đình, bị bệnh từ bé, thần kinh không ổn định. Không có sức lao động nên hàng ngày bà Y Him thường hay đến các điểm chợ để xin ăn.
Bà Y Him cho biết, từ nhỏ, A Trưng chỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ làm việc nhà; lớn lên thì đi làm thuê làm mướn. Lâu lâu, A Trưng cũng về nhà cho tiền mẹ mua gạo. Từ tháng 3/2018 đến nay, A Trưng không về nhà nữa. Gia đình hỏi thăm bạn bè thì được biết nó vào Thành phố Hồ Chí Minh làm ăn. Không có điện thoại để liên lạc với con nên cũng không biết cháu vào đó làm gì, sinh sống ở đâu nên lo lắm.
“Bây giờ nghe tin con bị chủ tàu ép làm ngư phủ không công trên biển, bị bóc lột sức lao động đã được bộ đội biên phòng giải cứu thì mới biết con đã chịu nhiều cực khổ. Mấy ngày nay mong con về lắm mà không thấy cháu về” - giọng bà Y Him buồn rượi.
|
Qua thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, ngày 24/7, đơn vị này đã nhận được đơn yêu cầu của các gia đình ở nhiều tỉnh, thành như Ninh Thuận, Đồng Nai… cho rằng có con em mình bị lừa gạt đi làm ngư phủ trên một tàu đánh giá ở Kiên Giang.
Sau khi xác minh, điều tra, lực lượng chức năng đã xác định có vụ việc trên nên đã mời chủ tàu cá lên làm việc và yêu cầu đưa 12 nạn nhân trở về đất liền.
Đến tối ngày 27/7, lực lượng chức năng áp giải tàu cá nói trên vào đất liền và đã giải cứu thành công 12 lao động, trong đó có A Jơng và A Trưng.
Qua lời khai của các nạn nhân, trong 12 lao động trên có 6 lao động bị các xe ôm ở Thành phố Hồ Chí Minh lôi kéo, môi giới; số còn lại tìm kiếm cơ hội việc làm qua một số các tờ rơi quảng cáo dán bên đường, trên facebook…
Theo hứa hẹn, mỗi ngư phủ sau khi lên tàu làm việc sẽ được chủ tàu cá trả 13 triệu đồng/tháng nhưng sự thật thì số tiền trên đều bị các đối tượng môi giới lấy hết, còn người lao động đi làm thuê thì không được hưởng đồng nào.
Tìm hiểu từ bạn bè của A Jơng và A Trưng, chúng tôi đã gặp được em Y Thoát (ở cùng làng Kon Hngo Klah) - bạn của A Trưng. Y Thoát tiết lộ: Tối 8/8, A Trưng có gọi điện thoại (qua facebook) cho em để nói chuyện, nhưng không đề cập sự việc vừa xảy ra. Em có hỏi hiện giờ ở đâu thì A Trưng có nói là đang cùng A Jơng ở Thành phố Hồ Chí Minh…
Từ nguồn thông tin trên, Phòng LĐ-TB&XH thành phố Kon Tum cũng như chính quyền xã Ngọc Bay đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm, kết nối thông tin để tuyên truyền, vận động, đưa 2 em A Jơng và và A Trưng trở về gia đình an toàn.
Bài, ảnh: Tú Quyên