Bộ đội về làng

09/01/2023 13:19

Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh thường xuyên phối kết hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng đóng quân trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác dân vận, qua đó thể hiện “Tình quân dân như cá với nước” và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.   

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, chúng tôi theo Đoàn công tác của Ban Dân vận, Bộ CHQS tỉnh về với các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh còn nhiều khó khăn. Đi đến đâu, chúng tôi đều thấy dấu chân bộ đội trên khắp các nẻo đường quê thanh bình, ấm áp. 

Chị Y Tuất, dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn Điêk Chè (xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông) tâm sự: Trước đây, khi chưa được bộ đội giúp dân làm lò đốt rác, quanh làng mình chỗ nào cũng có rác thải, nhất là các loại bao ni-lông, chai lọ bằng nhựa. Nhưng được sự tuyên truyền, vận động và đầu tư giúp đỡ của bộ đội xây cho thôn lò đốt rác. Theo đó, bà con thu gom rác bỏ rác vào lò và đốt, nên trong làng rất sạch sẽ. Bà con dân làng biết ơn bộ đội nhiều lắm.  

Bộ đội giúp dân làm nhà. Ảnh: HN

 

Thượng tá Hoàng Quốc Phương - Chính trị viên Ban CHQS huyện Kon Plông cho biết: Trong những năm qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các lực lượng vũ trang khác đóng chân trên địa bàn về với dân làng, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất. Bằng sức mình là chính, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hàng năm đóng góp ngày công và một ít kinh phí để giúp dân. Ngoài việc phối hợp với Sư đoàn 10 xây dựng 27 lò đốt rác cho bà con, đơn vị còn cử cán bộ, chiến sĩ giúp hàng trăm ngày công để làm nhà ở cho hộ nghèo.    

Ông A Hlưm, dân tộc Gia Rai, trú tại làng Lung (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) kể: Do nhà neo đơn, nên trong 2 năm (2020-2021), bộ đội huyện về giúp gia đình mình giống cây trồng, phân bón và 150 ngày công/năm để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đến nay gia đình mình đã có 1ha cao su, 1ha cà phê, 3ha mì. Từ một hộ nghèo lâu năm, đến nay, gia đình mình đã thoát nghèo. Năm nay, bộ đội huyện chuyển qua giúp cho hộ nghèo khác trong xã, nhưng tình cảm của các anh bộ đội gia đình không bao giờ quên.    

Thiếu tá A Lưng- Trợ lý Dân vận Ban CHQS huyện Sa Thầy đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình được bộ đội huyện giúp đỡ, rồi nói: Đơn vị luôn tổ chức công tác dân vận về với người dân bằng cả tấm lòng. Bộ đội đi đến đâu, người dân ở đó đều vui mừng phấn khởi đến đó. Ban ngày, bộ đội giúp dân tăng gia sản xuất, hướng dẫn cách trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo khoa học; ban đêm sinh hoạt  văn nghệ với dân, thật vui vẻ, ấm tình quân dân.  

Cán bộ Ban CHQS huyện Ia H'Drai thăm gia đình chị Trần Thị Viên. Ảnh: HN

 

Đến thăm huyện biên giới Ia H’Drai, chị Trần Thị Viên, dân tộc Tày, trú tại thôn 2 (xã Ia Dom) kể: “Năm 2020, mình nghèo lắm và ở trong căn nhà tạm bợ. Thấy vậy, Mặt trận huyện giúp xây cho mình cái nhà để ở. Nhưng do kinh phí hỗ trợ không nhiều, bộ đội huyện về giúp gia đình san nền mặt bằng gần cả trăm ngày công, nên giờ mới có cái nhà ở khang trang, rộng rãi như vầy. Sau khi ổn định chỗ ở, vợ chồng mình tập trung phát triển sản xuất, nên đến năm 2021 gia đình đã thoát nghèo”.

Anh Trần Duy Tùng- Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ia Dom cho biết: Lực lượng dân quân xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị bộ đội của Ban CHQS huyện và bộ đội biên phòng đóng chân trên địa bàn giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi vùng biên giới để bà con yên tâm lao động sản xuất. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập; đưa các cháu trong độ tuổi đến trường để nâng cao dân trí; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống mới.         

Trung úy Vũ Xuân Anh- Đại đội trưởng Đại đội BB186, Ban CHQS huyện Ia H’Drai bày tỏ: Ngoài nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, đơn vị thường xuyên tổ chức về với nhân dân trong huyện để làm nhiệm vụ vận động quần chúng giúp bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo kế hoạch, Tết năm nay, đơn vị sẽ về với bà con các dân tộc Thái, Dao, Nùng ở thôn 3, xã Ia Dom để gói bánh chưng xanh, phụ giúp dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm và cùng bà con vui Tết sum vầy.

Đại tá Hồ Anh Tuấn- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trong năm qua, đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc củng cố, kiện toàn 26 tổ công tác dân vận đủ về số lượng, chất lượng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và duy trì phát huy hiệu quả các hoạt động dân vận. Đồng thời, thường xuyên quán triệt giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp có nhận thức đúng đắn về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới; tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo tại địa phương.

“Nhờ đó, các đơn vị bộ đội của tỉnh luôn về với nhân dân bằng cả tấm lòng, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự, đồng thời xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, hướng dẫn bà con ăn ở hợp vệ sinh, giáo dục con em đến trường, xóa bỏ dần các hủ tục, từng bước xây dựng nông thôn mới ấm no, hạnh phúc bằng sức lao động của chính mình”- Đại tá Hồ Anh Tuấn khẳng định.

Cũng như mọi năm, Xuân Quý Mão năm 2023, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai cho các đơn vị bộ đội trực thuộc trên địa bàn tỉnh lên kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương để về với nhân dân trong những ngày Tết Nguyên đán. Ngoài việc chung vui với bà con, cán bộ, chiến sĩ còn có nhiệm vụ bảo vệ bình yên xóm làng để người dân được hưởng một mùa xuân yên bình, vui tươi trọn vẹn.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị bộ đội của tỉnh đóng quân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Ia H’Drai, chúng tôi trở về thành phố Kon Tum trong cái nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên oi bức, nhưng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ với dân làng còn đọng mãi trong ký ức. /.

Hà Nguyên

Chuyên mục khác