Bộ đội Biên phòng: Nhiều mô hình hay góp sức xây dựng nông thôn mới

03/07/2019 13:03

Thực hiện phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ năm 2010 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tích cực tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng vùng biên ngày một phát triển.

Tại mỗi địa bàn, các đồn biên phòng đã hướng dẫn người dân triển khai những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của từng vùng; hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tạo thu nhập và nâng cao đời sống hộ gia đình.

Từ năm 2010 đến nay đã có gần 70 hộ gia đình tại khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như trồng bời lời, sâm dây, nuôi heo rừng lai... đã và đang được nhân rộng, góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Điển hình như mô hình “hỗ trợ bò giống sinh sản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đầu tiên tại xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) vào năm 2011, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực. Từ 15 con bò giống được trao cho 15 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đăk Nhoong, đến nay đã phát triển lên 68 con/34 hộ chăn nuôi.

Mô hình này nhanh chóng được nhân rộng đến các xã khu vực biên giới khác. Gần đây nhất là vào cuối tháng 3 (năm 2019), 20 con bò giống sinh sản đã được trao cho 10 hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở Đăk Long (huyện Đăk Glei), từ nguồn kinh phí của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (150 triệu đồng) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (50 triệu đồng).

Nhân rộng mô hình "hỗ trợ bò giống sinh sản" cho các hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TT

 

Bà Y Bủng - hộ gia đình được trao bò tại thôn Dục Lang (xã Đăk Long) chia sẻ: Trước khi được trao bò, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Long đã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Tôi hy vọng với cặp bò này, gia đình tôi sẽ vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới.

Cùng với mô hình “hỗ trợ bò giống sinh sản”, mô hình phân công cán bộ, chiến sĩ kết nghĩa giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới được các đồn biên phòng triển khai từ năm 2017 đã mang lại hiệu quả cao. Thông qua mô hình, các cán bộ, chiến sĩ giúp các gia đình kết nghĩa thay đổi những nhận thức lạc hậu và cố gắng phát triển kinh tế gia đình. Dù mới triển khai được 2 năm, nhưng mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều địa bàn khác nhau.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) hướng dẫn người dân trên địa bàn trồng sâm dây. Ảnh: TQ

 

Điển hình như tại Đồn Biên phòng Ia Lân (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy), nhờ có mô hình kết nghĩa này mà các hộ gia đình trên địa bàn xã đã chuyển đổi mô hình kinh tế, từ trồng mì sang trồng điều. Nhờ vậy, một số hộ đã vươn lên thoát nghèo. Trung úy Rơ Châm Khôi - cán bộ làm công tác vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Lân cho biết: Áp dụng mô hình kết nghĩa với các hộ gia đình trên địa bàn, khoảng 3 năm trở lại đây, ngày càng nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những ngày đầu tiên, toàn xã chỉ có 2 hộ trồng điều, đến nay đã lên đến hàng chục hộ áp dụng mô hình này…

Cùng với các mô hình giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng rất chú trọng đến việc học tập của các em học sinh vùng biên giới. Trong đó, chương trình “Nâng bước em đến trường” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đặc biệt chú trọng. Tính đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhận đỡ đầu và giúp đỡ 75 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên khu vực biên giới (trong đó có 6 em phía ngoại biên). Chi phí hỗ trợ cho mỗi em 500.000đ/tháng. Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai đến các đồn biên phòng địa bàn phối hợp với địa phương, nhà trường tuyên truyền, vận động 906 học sinh bỏ học trở lại lớp, nhờ đó tình trạng học sinh bỏ học được cải thiện đáng kể.

Điển hình như tại Đồn Biên phòng 669 (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei), cán bộ, chiến sĩ của đồn thường xuyên cùng các thầy cô tham gia tuyên truyền, vận động các em học sinh đến lớp. Cán bộ, chiến sĩ còn kêu gọi các tổ chức từ thiện ở nhiều nơi hỗ trợ đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em đến trường ở xã Đăk Nhoong đạt 100% liên tục trong nhiều năm qua.

Trung tá Trần Đức Chính - trợ lý Ban Vận động quần chúng Phòng Chính trị, (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) cho biết: Những mô hình đem lại hiệu quả cao, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng đến các xã trên địa bàn khu vực biên giới; qua đó giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tất Thành

Chuyên mục khác