Bình đẳng giới thực chất

21/10/2023 06:08

Theo Luật Bình đẳng giới hiện hành thì bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

1. Người dạy cho tôi những bài học đầu tiên, lạ thay, lại là mẹ tôi- một  phụ nữ nông thôn chính hiệu.

Cũng xin được nói rõ là khi tôi còn nhỏ, ở quê tôi- một vùng nông thôn nghèo phía Bắc miền Trung, tư tưởng trọng nam khinh nữ rất nặng nề.

Câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (nghĩa là “có một con trai là có, nhưng có mười con gái thì vẫn là không có”) không phải chỉ có trong sách, mà hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.

Nên từ nhỏ, vô hình chung, con trai trong làng đã có suy nghĩ rất rõ ràng về ưu thế của mình- là con trai- trong bất cứ việc gì.  

Nữ giới ngày càng có đóng góp quan trọng trên các mặt của đời sống xã hội. Ảnh: TH

 

Trong khi đó, trên thực tế, phụ nữ vẫn phải làm những việc như cánh đàn ông, từ làm đất, gieo trồng, làm cỏ, chăm sóc (bao gồm bón phân và phun thuốc trừ sâu), thu hoạch.

Thậm chí họ làm nhiều hơn. Khi họ tham gia làm đất xong sẽ phải cấy lúa, còn đàn ông thì không. Đi làm về, đàn ông được nghỉ ngơi, uống nước trà, thậm chí là uống rượu, thì họ phải nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ, chăm sóc vật nuôi.

Những ngày giỗ, tết là những ngày vất vả nhất của phụ nữ. Đàn ông lo tiếp khách, mời rượu, còn phụ nữ dậy đi chợ từ sáng sớm, cả ngày chỉ lui tới trong bếp nấu nướng, sau đó lại rửa những chồng bát đĩa cao ngất ngưởng.

Các bé gái cũng phải hy sinh nhiều hơn bé trai trong chuyện học hành. Thông thường, con gái sẽ nghỉ học khi hết bậc trung học vì “học đến thế là đủ”. Một số ít gia đình tiến bộ hơn cũng chỉ cho học trung cấp, cao đẳng.  Con trai lại có thể học cao hơn, nếu học lực cho phép.

Nhưng mẹ tôi- một phụ nữ nông dân- đã làm ngược lại tất cả những chuyện ấy, ít nhất là trong gia đình tôi.

Trong nhà, mẹ bàn bạc tất cả mọi chuyện, đôi khi là người ra quyết định. Với sự điều hành của mẹ, con trai cũng như con gái làm việc nhà giống nhau, dù là dọn dẹp nhà cửa hay cơm nước. Mẹ nói, không có lý gì mà con trai đi làm đồng về thì ngồi đó chờ cơm, còn con gái thì phải lăn vào bếp.

Trong công việc đồng áng, mẹ tôi phân công rõ ràng, con trai giúp bố làm việc nặng, như cày bừa (làm đất), con gái giúp mẹ cấy lúa. Những việc nhẹ hơn,  như làm cỏ, bón phân, gặt lúa thì làm như nhau.

Bởi theo bà, công bằng không có nghĩa là cào bằng, bởi nam và nữ, bản thân đã có sự khác biệt về thân thể, giới tính và sức lực.

Mẹ tôi cũng là người quyết định để chị và em gái có cơ hội vào đại học. “Không riêng con trai, chỉ cần các con học được và đậu đại học, khó khăn mấy bố mẹ cũng nuôi”- mẹ tôi nói với các con gái.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể giải thích được, vì sao một phụ nữ nông thôn như mẹ tôi lại có được những suy nghĩ tiến bộ như vậy về cái mà bây giờ ta gọi là bình đẳng giới.

Và hơn thế, đó là bình đẳng giới thực chất, mục tiêu mà cả hệ thống chính trị và xã hội ngày nay đang nỗ lực thực hiện.

2. Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả. Như tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; tăng cường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tăng tỷ lệ đi học của trẻ em gái; xóa bỏ hủ tục; khắc phục định kiến giới.

Trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ ngày càng cao, ngày càng hiệu quả.

Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới thực chất. Ảnh: TH

 

Toàn tỉnh có 11.436 nữ cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 63,65%); có 2 nữ đại biểu Quốc hội (chiếm 33,33%), 18 nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh (chiếm 35,29%), 95 nữ đại biểu HĐND cấp huyện (chiếm 30,06%) và 850 nữ đại biểu HĐND cấp xã (chiếm 39,32%). Tỷ lệ lao động nữ đạt 48,3% (tương ứng 157.524 người) lực lượng lao động toàn tỉnh. 

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại bình đẳng giới hình thức. Đó là vẫn tồn tại bạo lực gia đình, lối tư duy nội trợ, chăm con là công việc của phụ nữ. Hay nhiều nam giới cho rẳng chỉ có mình mới đảm nhận những công việc nặng nhọc, độc lập cao; ngược lại, phụ nữ yếu đuối, thụ động, phải dựa dẫm. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn khá phổ biến.

Ở chiều ngược lại, không ít người cho rằng nam và nữ bình đẳng; phải làm việc như nhau, quyền lợi và trách nhiệm cống hiến bằng nhau.

Bình đẳng giới thực chất là việc thừa nhận sự khác biệt về mặt sinh học và về mặt xã hội do lịch sử để lại giữa nam và nữ; đảm bảo hai giới đều có điều kiện phát triển như nhau, như việc được tôn trọng, chia sẻ, bàn bạc và ra quyết định trong mọi công việc của gia đình, xã hội; được học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực; cùng tham gia vào công việc quản lý lãnh đạo.

Tất nhiên, điều gì cũng có ngoại lệ, sẽ luôn có số ít phụ nữ xuất sắc, trong mọi hoàn cảnh họ không thua kém gì đàn ông. Nhưng khi xét một chính sách, phải xét trên số đông.

Rõ ràng là, chúng ta còn chặng đường rất dài phía trước để tiến tới đạt được bình đẳng giới thực chất, trong cuộc sống và trong lao động.

Trong khi Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua việc ban hành và thực thi chủ trương, chính sách, thì mỗi người trong chúng ta, dù nam hay nữ, cũng cần chủ động nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới.

Hãy chia sẻ, phân công công việc hợp lý, đối xử công bằng đối với các thành viên trong gia đình; thực hiện và hướng dẫn người khác cùng thực hiện hành vi đúng mực về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ chung.

Như  Malala Yousafzai – cô gái đến từ Pakistan, đồng đạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 đã nói: “Tất cả chúng ta không thể thành công khi một nửa trong số đó bị kéo lại”.                                  

Thành Hưng

Chuyên mục khác