Biến lòng đường thành sân phơi

13/11/2023 05:45

Mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa là không ít đoạn đường ở thành phố Kon Tum lại bị “biến” thành sân phơi lúa, rơm rạ, vừa mất mỹ quan đường phố vừa tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Chiều cuối tuần, trên đường đi làm về thì tôi nhận được tin chị T. ở gần nhà bị ngã xe. Vội gọi điện hỏi thăm thì biết cũng may là cú ngã nhẹ, nên chị chỉ bị trầy da, bầm tím vài chỗ.

Chị T. bức xúc kể: Mình bị ngay gần nhà. Cũng do hai phần ba đường bị người ta chiếm phơi lúa hết cả, lại còn dùng cành cây chặn xung quanh, mình tránh vội nên xe bị trượt bánh, cả người và xe đổ xuống đường.

Trước đây, con đường này xuống cấp, đất đá lồi lõm, nắng bụi mưa lầy nên chẳng ai tận dụng để phơi nông sản. Thế nhưng, từ khi con đường được Nhà nước và nhân dân cùng góp công góp của bê tông hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện cũng như tạo cảnh quan đường phố sạch, đẹp hơn thì xuất hiện vấn nạn đến mùa thu hoạch lúa, lòng đường lại bị “biến” thành sân phơi.

Phơi phân bò dưới lòng đường. Ảnh: SC

 

Chị T. cho biết, con đường phía trước nhà chị có bề rộng chừng hơn 5m, nhưng bị chiếm dụng làm sân phơi nên chỉ còn lại khoảng tầm 2,5m để người tham gia giao thông qua lại. 

Nguy hiểm hơn, để tránh xe cộ đi vào nơi phơi lúa, nhiều người đã dùng gạch đá, cành cây, bàn ghế đặt xung quanh để cảnh báo chỗ phơi. Như vậy đã tạo nên những chướng ngại vật trên đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Khi gặp cảnh tượng này, người tham gia giao thông muốn lưu thông trên đoạn đường này không còn cách nào khác là phải lấn sang cả phần đường ngược chiều.

Không riêng gì con đường chạy qua nhà chị T., mà đến mùa thu hoạch lúa, chạy lòng vòng các tuyến đường ở các xã, phường thuộc thành phố Kon Tum có thể thấy tình trạng “hô biến” lòng đường, vỉa hè thành sân phơi khá phổ biến.

Trời nắng thì bà con tận dụng lòng đường phơi lúa cả ngày, đến chiều tối mới dọn. Có nhiều khu vực đến cuối ngày, để tiện, có hộ dân chỉ việc cào lúa lại, cuốn trong tấm bạt rồi để lại ngay ở lòng đường, hôm sau kéo ra phơi tiếp. Nhiều khi, ở khu vực trời tối, lưu thông qua lại trên tuyến đường có vật cản trở như vậy rất dễ gây tai nạn.

Không chỉ phơi lúa, phơi rơm, nhiều gia đình còn tận dụng lòng đường để phơi đủ loại, từ mì lát, vỏ bời lời, đến phân bò.

Tại khoản 2, Điều 35 của Luật Giao thông đường bộ quy định: Không được phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.

Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức khi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ. Ngoài ra, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị đường bộ” theo quy định tại điểm a, khoản 10, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Nên tận dụng các khoảnh đất trống hay khoảnh sân trước nhà để làm sân phơi. Ảnh: S.C

 

Trường hợp thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Để đảm bảo an toàn cho người khi tham gia giao thông, tạo cho cảnh quan đường phố sạch, đẹp, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

Thay vì tận dụng lòng đường để làm sân phơi, các gia đình nên tìm những khoảnh đất trống trong khuôn viên nhà ở, ruộng rẫy sau khi thu hoạch nông sản xong để làm sân phơi.

Ban quản lý thôn, tổ dân phố tăng cường kiểm tra, khi phát hiện hộ gia đình có hành vi này cần tuyên truyền, nhắc nhở để không vi phạm, tạo điều kiện cho người dân sử dụng những khu vực công cộng rộng rãi, phù hợp làm sân phơi.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm tạo tính răn đe, hạn chế và chấm dứt nạn lấn chiếm lòng đường làm sân phơi, từ đó góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

Sông Côn

Chuyên mục khác