Bí quyết “bốn cùng” của bộ đội Sư đoàn 10

09/01/2018 18:00

Với mục đích chung sức giúp đỡ người dân trên địa bàn đơn vị đóng quân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trong năm qua, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đã cử hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vượt hàng trăm cây số về các địa phương để giúp bà con khai hoang đồng ruộng, làm nhà, đường giao thông...

Bí quyết giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ là mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nỗ lực thực hiện tốt chủ trương “bốn cùng” với nhân dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào. Những năm qua Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị.

Đại tá Nguyễn Thanh Phong, Chính ủy Sư đoàn cho biết: Đơn vị đóng quân và thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk, nơi có nhiều người dân ĐBDTTS sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì thế đơn vị xác định, giúp dân giảm nghèo vừa là việc làm tri ân đồng bào đã giúp đỡ Sư đoàn trong những năm trường kỳ kháng chiến, vừa góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế và xây dựng địa bàn ổn định, an toàn.

Bộ đội Sư đoàn 10 giúp nhân dân làm đường giao thông nông thôn ở thôn 5A, xã Đăk  Kôi, huyện Kon Rẫy. Ảnh: D.H

 

Năm 2017, Sư đoàn đã giúp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn 24 xã của 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk hơn 10 ngàn ngày công lao động. Giúp các địa phương tu sửa trường học, làm 30km đường giao thông liên thôn, liên xã; nạo vét 6km kênh mương thủy lợi; đào và lắp đặt 2.800m đường ống nước dẫn nước sạch tự chảy; đổ gần 1km đường bê tông và xây dựng 8 căn nhà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 270 lượt người dân, với trị giá cơ số thuốc 20 triệu đồng; làm 20 vườn rau mẫu cho các gia đình để bà con nhân dân tham quan, học tập…

Bên cạnh đó các đơn vị của Sư đoàn còn tổ chức tuyên truyền vận động bà con đồng bào về xây dựng nếp sống văn minh, ăn ở vệ sinh, khoa học và thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tổ chức Đoàn ở địa phương.

Để mỗi cán bộ, chiến sĩ thật sự “bốn cùng” hiệu quả với nhân dân, trước tiên phải làm sao giúp mọi người hiểu được ý nghĩa chính trị sâu sắc của các đợt hành quân này. Trước khi hành quân, qua công tác tuyên truyền, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu đi làm nhiệm vụ dân vận là “về nguồn” tri ân đồng bào đã yêu thương, đùm bọc đơn vị trong suốt những năm qua. Chẳng thế mà trong đợt giúp nhân dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plông thiếu đất sản xuất do ngập của lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh, các cán bộ, chiến sĩ đã hành quân vượt hơn 120km về xã. Khi mới tới điểm tập kết, dù còn dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện ăn ở, song đơn vị đã chủ động khắc phục và nhanh chóng bắt tay vào công việc giúp dân. Các chiến sĩ miệt mài phát quang những rừng lau, le, tạo mặt bằng, đắp bờ thửa được 25ha đất sản xuất. Thấy bộ đội vừa về đã vào việc ngay, nhân dân thêm tin tưởng, lập tức tích cực “cùng làm” với bộ đội.

Không những thế, việc đơn vị chia thành từng tổ đến các hộ gia đình tuyên truyền vận động nhân dân đã giúp nối gần quan hệ quân – dân. Nhiều kỹ thuật trong trồng trọt, canh tác được bộ đội hướng dẫn một cách chi tiết, tỉ mỉ để người dân thấy được và áp dụng làm theo. Trong tuyên truyền vận động nhân dân, những cán bộ, chiến sĩ biết tiếng dân tộc vừa cùng làm, cùng trò chuyện bằng tiếng dân tộc với đồng bào, trở thành hạt nhân trong công tác dân vận.

Tại xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, cán bộ, chiến sĩ đã giúp đồng bào nơi đây 2.600 ngày công để khai hoang 9ha và phục hóa gần 10ha đất trồng lúa nước; làm 2.000m đường ống dẫn nước tự chảy về làng Kon Sơ Lốk để đồng bào có nước sạch sinh hoạt.

Chiến sĩ trẻ Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: Tại nơi đơn vị đến giúp nhân dân, địa hình đồi dốc cao, việc khai hoang để tạo cánh đồng rất khó khăn. Chỉ bằng đôi tay và khối óc, chúng tôi không ngại gian khổ, bạt núi xẻ đồi để khai hoang, tạo nên những ruộng bậc thang rất đẹp. Cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn còn thực hiện nhiều mô hình tặng bò giống, làm điểm mô hình vườn, chuồng, để bà con thấy được hiệu quả và học tập làm theo.

Đồng chí Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông đánh giá: Bộ đội của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) luôn hết lòng vì nhân dân, không quản ngại khó khăn, vất vả, để giúp nhân dân. Từ những việc làm của các cán bộ, chiến sĩ, người dân thêm niềm tin để canh tác, định canh, định cư, ổn định cuộc sống, gắn bó với bản làng, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Cũng chính vì thế mà giờ phút các anh chia tay bà con trở về đơn vị lại đầy sự bịn rịn, quyến luyến đến thế.

Theo thượng tá Nguyễn Thanh Phong, “bốn cùng” là phương pháp then chốt trong mỗi chuyến hành quân giúp dân, là cách làm cần được phát huy rộng rãi, hiệu quả của cách làm này chính là thước đo của công tác dân vận. Chỉ khi thực sự “bốn cùng” với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn mới có thể góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường mối đoàn kết quân dân ngày càng bền chặt.

Duy Hùng

 

Chuyên mục khác