Bếp ăn bán trú ở các trường học: Cơ sở vật chất phục vụ còn thiếu

26/10/2016 09:03

Thời gian qua, hệ thống bếp ăn bán trú trong các trường học trên địa bàn tỉnh được đầu tư mới và mở rộng. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho công tác này đều do các trường huy động, nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bán trú, cũng như xây dựng bếp ăn bán trú vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đúng các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chưa đảm bảo quy định

Về trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum), tham quan khu vực tổ chức bán trú cho học sinh, chúng tôi thấy có đầy đủ các hạng mục phục vụ cho công tác tổ chức bếp ăn bán trú, nhưng không gian khá chật chội.

Học sinh ăn bán trú tại trường tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum. Ảnh: M.T

 

Cô Nguyễn Thị Đông – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhiều năm qua, các đoàn kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh về trường kiểm tra đều cho kết luận tích cực, bao gồm các mặt công tác sắp xếp, tổ chức bếp ăn và nguyên liệu sản phẩm đầu vào, thực hiện chế biến đều có tủ lạnh chứa mẫu theo quy định… Riêng hạn chế về địa điểm căn tin tổ chức bữa ăn bán trú có tổng diện tích 150m2, chưa đảm bảo cho số lượng trên 500 học sinh cho đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Cô Đông chia sẻ: Để mở rộng không gian tổ chức phòng ăn rộng rãi, thoáng mát cho học sinh, đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà trường đã đề xuất các cấp hỗ trợ kinh phí, nhưng vẫn chưa có để thực hiện. Khắc phục hạn chế này, nhà trường chỉ còn cách sắp xếp chia thành 2 ca. Học sinh khối lớp 1-2 ăn trưa từ 10h30 đến 11h; tiếp đến ca 2 là học sinh khối 3 - 5.

Thực tế ở nhiều trường, bếp ăn bán trú vẫn chưa thực hiện đầy đủ các quy định về cơ sở vật chất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Thông tư 15 và 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có bếp ăn tập thể trường học.

Cần được quan tâm đầu tư

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 trường học tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh. Đầu các năm học, đơn vị luôn có văn bản chỉ đạo và nhắc nhở các trường trực thuộc, đơn vị giáo dục đào tạo cấp huyện và thành phố về thực hiện Luật An toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh.

Nhân viên cấp dưỡng (trường tiểu học Ngô Quyền, thành phố kon Tum) chuẩn bị bữa ăn bán trú cho học sinh . Ảnh: M.T

 

Căn cứ kế hoạch chương trình công tác năm, Sở Giáo dục và Đào tạo còn phân cấp quản lý, tiến hành các đợt kiểm tra lồng ghép, hoặc đột xuất có nội dung về quản lý bếp ăn bán trú, nhằm nhắc nhở đơn vị trực thuộc kiểm soát nguồn lương thực, thực phẩm đưa vào chế biến phải có xuất xứ, nguồn gốc đảm bảo an toàn, chất lượng để nấu cho học sinh ăn; thường xuyên tập trung công tác tuyên truyền về ăn chín, uống sôi cho các em.

Ngoài ra, các trường học còn được khuyến khích chủ động, linh hoạt đối với công tác tham mưu các cấp chính quyền, phòng giáo dục đào tạo địa phương về huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị phục vụ nhà ăn, bếp ăn…

Dù ngành đã chỉ đạo, nhắc nhở là vậy nhưng trên thực tế để các trường học thực hiện đúng các quy định liên quan về đảm bảo các điều kiện hoạt động bếp ăn theo các quy định hiện hành cũng lắm khó khăn.

Nhân viên cấp dưỡng (trường tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố kon Tum ) thực hiện lưu mẫu thức ăn sau chế biến. Ảnh: M.T

 

Bởi lẽ, hoạt động bán trú ở trường học là dịch vụ khuyến khích có sự thỏa thuận đóng góp của phụ huynh để phục vụ cho học sinh ăn, ở bán trú. Nguồn kinh phí phân bổ hàng năm cho công tác giáo dục không có khoản chi cho mua sắm trang thiết bị, phục vụ hoạt động bán trú ở các trường học (ngoại trừ các đơn vị có bếp ăn tập thể được đầu tư các nguồn chính sách dành cho trường học phổ thông, dân tộc có mô hình bán trú vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa). Do đó, các trường học tổ chức bán trú tự nguyện khó khăn trong việc huy động nguồn lực để hoàn thiện trang thiết bị, vật chất để thực hiện đảm bảo các quy định liên quan về an toàn thực phẩm.

Từ khó khăn trên, bếp ăn tập thể ở các trường học còn nhiều tồn tại, chậm được khắc phục. Trong năm 2015, theo báo cáo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, qua kiểm tra, 40 trường học có bếp ăn tập thể còn nhiều lỗi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm cần khắc phục như: Khu vực chế biến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh, đặt gần nhà vệ sinh chung; có nơi chưa trang bị đồ bảo hộ lao động cho nhân viên chế biến, chưa có hệ thống rửa tay cho các cháu trước khi ăn; bếp ăn chưa được thiết kế theo nguyên tắc một chiều, phòng chia thức ăn chưa bảo đảm vệ sinh và chưa xét nghiệm nguồn nước dùng để chế biến thực phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhiều trường học có bếp ăn tập thể đều mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, huy động nguồn lực đóng góp cho cơ sở vật chất phục vụ bếp ăn bán trú khang trang, đạt các yêu cầu cơ bản theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mai Trâm

Chuyên mục khác