07/10/2017 09:04
Xây dựng đội ngũ y bác sĩ có năng lực, đạo đức
Tháng 5/2012, Bệnh viện Y dược cổ truyền được thành lập theo Quyết định 263/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh với tên gọi ban đầu: Bệnh viện Y học cổ truyền. Tháng 10/2016, đơn vị được đổi tên thành Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh cho đến nay.
Bác sĩ Đặng Minh Hải - Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh cho biết, khi được thành lập cơ sở vật chất ban đầu có 4 gian nhà cấp 3 và 4, kế hoạch được giao là 50 giường bệnh, diện tích 20.000m2. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, bác sĩ chuyên khoa khá khiêm tốn với 6 người, trong đó có 3 bác sĩ chuyên khoa I; các khoa phòng chức năng cũng còn thiếu nhiều.
Sau 5 năm đi vào hoạt động (10/2012 – 10/2017), được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Y tế, Bệnh viện dần được đầu tư xây dựng thêm một dãy nhà cấp 3, tiếp đến nâng cấp từ 50 giường lên 75 giường bệnh với quy mô bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng III. Hiện tại, đơn vị có 12 khoa phòng; đội ngũ bác sĩ đã tăng lên 16 người, bao gồm 3 bác sĩ chuyên khoa I, 10 bác sĩ y học cổ truyền, 1 bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và 2 bác sĩ đa khoa.
|
Bệnh viện cũng tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng các bài thuốc đặc sắc, những kỹ thuật tiên tiến về y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại của các vị thầy thuốc nổi tiếng trong và ngoài nước, cũng như các bài thuốc, cây thuốc của người dân địa phương. Qua đó, kết hợp hài hòa kiến thức khoa học của y học hiện đại, xây dựng một nền y học cổ truyền trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng; từng bước xây dựng thương hiệu của Bệnh viện Y dược học cổ truyền tuyến đầu ở tỉnh, một địa chỉ tin cậy của người bệnh khi đến khám, điều trị tại đây.
“Hàng năm, đơn vị còn cử anh em các khoa phòng chuyên môn đi tham dự các hội nghị, hội thảo, giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu ở các bệnh viện, trường đại học chuyên ngành tại một số tỉnh bạn, trung ương. Đồng thời, Bệnh viện cũng có kế hoạch mời nhiều chuyên gia, bác sĩ từ các bệnh viện tuyến trung ương, khu vực đến hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu về y học cổ truyền” - bác sĩ Hải nói về sự quan tâm của đơn vị đối với công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn các y bác sĩ.
Bác sĩ Hải cho biết thêm, thông qua công tác chuyên môn thực tế và nỗ lực nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình ứng dụng điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, nhiều đồng nghiệp đã có các công trình khoa học chuyên ngành cấp cơ sở và cấp tỉnh được đánh giá cao về tính an toàn, hiệu lực của thuốc được điều trị thực tế tích cực. Từ đây, tay nghề, chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ đơn vị ngày càng nâng cao. Qua đó, giúp cho tập thể bệnh viện tuyến đầu y dược cổ truyền tỉnh từng bước có thêm sự kế thừa vững chắc, tiến đến phát huy tinh hoa y học cổ truyền dân tộc kết hợp hài hòa với kiến thức khoa học của y học hiện đại, góp phần phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân địa phương.
|
Nhiều nghiên cứu khoa học được ứng dụng
Theo Giám đốc Bệnh viện, các khoa phòng chuyên môn, các bác sĩ, dược sĩ nghiên cứu, tham mưu xây dựng các bài thuốc cổ phương vào thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng tiến đến triển khai áp dụng cho người bệnh; phát triển mạnh các dịch vụ y học cổ truyền và phục hồi chức năng như: xông hơi thuốc, ngâm thuốc, cấy chỉ, thủy châm, điều trị trĩ bằng tiêm dung dịch PG 60 5%, đặc biệt ứng dụng công nghệ laser bán dẫn công suất thấp vào điều trị các bệnh xơ vữa mạch máu, u xơ tuyến tiền liệt, trĩ… tác động cột sống, đắp parafin, nhiệt trị liệu và điện trị liệu các loại.
|
Cùng đó, Khoa Dược - Vật tư thiết bị y tế đã triển khai máy sắc thuốc đóng túi tự động, dây chuyền sản xuất một chiều; đưa vào sản xuất nhiều chế phẩm thuốc y học cổ truyền: viên hoàn độc hoạt tang ký sinh, bổ dương hoàng ngũ thang, tể bổ tâm, thuốc xông và bột thuốc ngâm.
Kiến thức chuyên môn được cập nhật thường xuyên, nên đội ngũ y bác sĩ tự tin trước các trang thiết bị hiện đại được đầu tư, đưa vào sử dụng mới, bao gồm: hệ thống xét nghiệm tự động, bán tự động, máy siêu âm ổ bụng - tim 3D màu; máy cắt trĩ THD (phẫu thuật không đau, không chảy máu), máy điện cơ, máy điện não, máy đo độ loãng xương tia X, máy kéo dãn cột sống tự động, siêu âm điều trị, từ trường, sóng ngắn, điện phân, dụng cụ tập đa năng…
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng phục vụ và quản lý thuốc sử dụng tại đơn vị, Bệnh viện còn thành lập tổ kiểm nghiệm và quản lý chất lượng thuốc với nhiệm vụ lấy mẫu thuốc, kiểm nghiệm, xác định chất lượng thuốc và nguyên phụ liệu làm thuốc từ khâu nhập nguyên phụ liệu, sản xuất, xuất nhập kho, bảo quản và sử dụng. Bác sĩ Đặng Minh Hải chia sẻ, đơn vị còn có nhiều ý tưởng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh ngày càng tốt hơn. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động tham mưu thành lập các chuyên khoa còn thiếu; chú trọng công tác phát triển đông y, tăng cao vai trò của khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị một số bệnh đạt hiệu quả cao như: phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não, chấn thương, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm và các bệnh nội khoa như điều trị viêm gan mãn, cao huyết áp, zona, phì đại tiền liệt tuyến, viêm đại tràng, các bệnh về xương khớp.
Để làm được điều đó, đơn vị mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô bệnh viện đạt 100 giường bệnh đến năm 2020; nâng cấp bổ sung trang thiết bị y tế, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, đáp ứng ngày càng nhiều và hiệu quả, tích cực điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Mai Trâm