Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi: Cần thuốc chữa “bệnh” quá tải

17/09/2017 06:16

​Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi được UBND tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2008 với tổng kinh phí 44,22 tỷ đồng; trong đó, xây lắp 9,76 tỷ đồng, thiết bị 29,097 tỷ đồng, chi phí khác 1,337 tỷ đồng và dự phòng 4,026 tỷ đồng. Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, đến nay, Bệnh viện đã quá tải về cơ sở hạ tầng trong việc thu dung bệnh nhân, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú.

Ý kiến của người bệnh

Chúng tôi đến thăm phòng điều trị nội trú Khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện trong những ngày đầu tháng 9 khi Kon Tum chớm vào thời khắc giao mùa. Bệnh nhân nằm điều trị ở đây rất đông, người ra vào và đồ dùng cá nhân trong phòng bừa bộn, bốc mùi hôi khó chịu...

Tâm sự với chúng tôi, chị Y Hoang 35 tuổi, dân tộc Xê Đăng, trú tại thôn Đăk Dết, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, cho biết: Mình bị đau dạ dày và rối loạn tiền đình nên phải vào Bệnh viện điều trị. Từ đầu năm đến giờ, mình đã ba lần nhập viện rồi. Nhiều lúc bệnh nhân đông, trời thì nóng, nằm 2 người một giường rất chật chội, nên không được thoải mái lắm. Nhưng được sự chăm sóc của cán bộ y tế Bệnh viện, nên mình đỡ dần.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi

 

Phía bên ngoài hành làng, hàng trăm người dân chen nhau đi vào các khoa khám chữa bệnh. Ông Hà Văn Toàn, 62 tuổi, trú tại xã Sa Loong, ngồi trên xe lăn ở hành lang chờ đến lượt khám, cho biết: Chân tôi bị nhiễm trùng do dẫm phải đinh gỉ. Đến Bệnh viện từ lúc sớm, nhưng đến giờ vẫn chưa khám được. Bệnh nhân thì đông, phòng ốc thì chật hẹp, cán bộ y tế thì ít, nên mấy năm nay mỗi khi đi khám chữa bệnh ở đây đều phải chực chờ cả. Mong sao Nhà nước đầu tư nâng cấp để Bệnh viện đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Làm việc với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Hữu Thâm - Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ tuyến II, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị cho nhân dân trên địa bàn các huyện phía bắc của tỉnh, bao gồm Ngọc Hồi, Đăk Glei, Đăk Tô, Tu Mơ Rông; đồng thời là nơi khám chữa bệnh cho nhân dân của 2 nước bạn Lào và Campuchia. Bệnh viện hiện có 5 phòng chức năng, 11 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 1 đơn nguyên sơ sinh và 1 đơn vị phẫu thuật với 200 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó 68 người có trình độ đại học và sau đại học. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện được đào tạo cơ bản, bước đầu đã tiếp cận và thực hiện được các chuyên môn kỹ thuật mới. Hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận khám, chữa bệnh từ 40.000 - 65.000 lượt người (trong đó có từ 100-150 lượt người nước ngoài) và điều trị nội trú trung bình hơn 11.000 lượt người, phẫu thuật trên 700 ca. Như vậy, bình quân 284 lượt khám bệnh/ngày, tương ứng với quy mô 1, bệnh viện hạng III là từ 250-350 giường.

Cơ sở hạ tầng xuống cấp

Cơ sở hạ tầng đầu tư ban đầu của Bệnh viện với quy mô 100 giường bệnh từ năm 2008 do Dự án ADB giai đoạn 1 đầu tư, nhưng thực tế hiện nay, Bệnh viện đã kê lên tới 225 giường, vượt 225% so với quy mô thiết kế ban đầu. Thực tế diện tích sàn của Bệnh viện chỉ có 4.869m2; trong khi đó, với số giường chỉ tiêu/số giường thực kê là 170/225 giường bệnh thì diện tích sàn cần có là từ 10.200m2 - 13.500m2. Năm 2015, số lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện là 11.132 lượt người, đến năm 2016 có 12.532 lượt người và 6 tháng đầu năm nay có 5.741 lượt người. So với kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh năm 2015 là 136%, năm 2016 là 123% và 6 tháng đầu năm nay là 113%.

Hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận khám, chữa bệnh từ 40.000 - 65.000 lượt người (trong đó có từ 100-150 lượt người nước ngoài) và điều trị nội trú trung bình hơn 11.000 lượt người, phẫu thuật trên 700 ca.

 

Do nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày một tăng cao, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, Bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là thiếu khoa phòng điều trị, một số khu nhà phục vụ điều trị cho bệnh nhân xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, không đáp ứng nhu cầu hoạt động chuyên môn của Bệnh viện.

Bên cạnh đó, một số bác sĩ đã được cử đi đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II về, nhưng không có cơ sở hạ tầng để triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nên Bệnh viện phải giới thiệu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Cụ thể, năm 2015 có 1.017 trường hợp, năm 2016 có 1.648 trường hợp, 6 tháng đầu năm nay có 998 trường hợp, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí cho người bệnh.  

Giải pháp tình thế được Bệnh viện đưa ra là tận dụng mọi không gian để cơi nới, thậm chí thay đổi công năng của hàng loạt phòng nhân viên, hành lang để đặt thêm giường bệnh. Bệnh viện còn phải thu hẹp kích thước giường bệnh từ rộng 90cm xuống còn 50cm.

Từ chỗ được phân bổ hai tầng điều trị, Khoa Nội - Nhi nay phải chia nhỏ,  bố trí thành 4 khoa: Nội, Nhi, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng; từ chỗ thiết kế 60 giường bệnh, nay phải tận dụng khoảng trống và phòng nhân viên để kê tổng số 110 giường bệnh. Do không đồng bộ, công năng sử dụng lại không phù hợp, nên đã ảnh hưởng đến không gian điều trị.

Khoa Ngoại sản còn chật chội hơn, các phòng điều trị rất nhỏ, khoảng từ 15-18m2, nhưng vẫn phải kê thêm giường để bảo đảm nhu cầu điều trị. Theo kế hoạch, Khoa chỉ có 30 giường bệnh, nhưng thực kê lên đến 78 giường. Đặc biệt, một số khu nhà vệ sinh, mặc dù có nhân viên dọn dẹp liên tục, song số lượng người sử dụng quá nhiều, nên đôi khi gây mùi khó chịu... ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường điều trị của bệnh nhân.

Cần sớm được đầu tư nâng cấp  

Năm 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 30/8/2010 phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình “Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi từ 100 giường bệnh lên 250 giường bệnh”.

Đến năm 2011, Dự án được bố trí 5,64 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để khởi công mới, nhưng do thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nên Dự án ngừng khởi công mới và giãn tiến độ đầu tư cho đến nay.

Hiện tại, máy móc, trang thiết bị của Bệnh viện chỉ đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thông thường, không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, chuyên sâu. Bệnh viện còn thiếu nhiều thiết bị cần thiết phục vụ công tác chẩn đoán cấp cứu hồi sức, chống nhiễm khuẩn và điều trị.

Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn phía bắc tỉnh và khu vực phụ cận 2 nước bạn Lào và Campuchia là rất lớn. Qua kết quả hoạt động của Bệnh viện trong 3 năm qua (2015-2017), cho thấy các chỉ số đều vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, số lần khám, chữa bệnh hàng năm đạt 165,7%, số bệnh nhân điều trị nội trú đạt 139%, công suất sử dụng giường bệnh đạt 123%, số bệnh nhân phẫu thuật khoảng trên 700 ca.

Trong thời gian chờ đợi Dự án triển khai, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng mới khối kỹ thuật 3 tầng, diện tích sàn 3.534m2 với tổng mức đầu tư trên 37,407 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thâm khẳng định: Nếu được đầu tư nâng cấp, Bệnh viện sẽ tạo nên một bước nhảy vọt về chất lượng, số lượng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân 4 huyện và khu vực lân cận của 3 nước.

Việc đầu tư nâng cấp Bệnh viện hiện nay là hết sức cần thiết, qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Bài và ảnh: Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác