“Bệnh” nợ bảo hiểm xã hội

20/12/2023 13:12

Nhiều năm nay, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã là “căn bệnh” nặng và dai dẳng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điều nghịch lý là, dù đã có chế tài mạnh, đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào bị “xử” vì nợ bảo hiểm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình trạng nợ bảo hiểm luôn diễn ra và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Như năm 2021 có 174/1.050 doanh nghiệp nợ 11,85 tỷ đồng, bằng 1,22% số phải thu. Năm 2022 có 222/1.111 doanh nghiệp nợ 15,115 tỷ đồng, bằng 1,04% số phải thu.

Năm 2023 (ước đến ngày 31/12/2023) số doanh nghiệp nợ bảo hiểm tăng lên 231, với tổng số tiền nợ khoảng 15,6 tỷ đồng, bằng 1,1% số phải thu.

Đáng chú ý là, có một số doanh nghiệp “đều đặn” có tên trong danh sách nợ đọng bảo hiểm nhiều năm nay nên nợ mới chồng nợ cũ.

Số đông người lao động chưa hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm và phương thức tham gia BHXH. Ảnh: H.L

 

Như Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng HST Kon Tum nợ 104 tháng (255 triệu đồng); Công ty TNHH Công nghệ hữu cơ An Thái nợ 40 tháng (246 triệu đồng); Công ty CP Tấn Phát nợ 47 tháng (3,839 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường DH nợ 29 tháng, số tiền nợ lên đến hơn 900 triệu đồng.

Theo nhận định của một lãnh đạo BHXH tỉnh, nguyên nhân khách quan là trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thậm chí thua lỗ, phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản.

Trong tổng số nợ nêu trên có 82 đơn vị ngừng giao dịch, giải thể, phá sản, không còn lao động, với số tiền nợ 5,2 tỷ đồng, chiếm 32,8% số nợ.

Nhưng về chủ quan, có thể nói ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc. Khi có thanh tra, đôn đốc thì mới thực hiện nộp BHXH, BHYT, BHTN, hoặc nộp một phần không đáng kể trong số phải nộp.

Một số doanh nghiệp có khả năng thực hiện nhưng cố tình không nộp, giữ lại để sản xuất - kinh doanh, thay vì phải chật vật với thủ tục vay ngân hàng.

Có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn sử dụng nguồn trích nộp của người lao động vào những mục đích khác, hoặc thực hiện báo giảm lao động, không treo bảng hiệu tại nơi đăng ký kinh doanh, cắt liên lạc với cơ quan BHXH.

Tôi từng ngồi tâm sự với một chủ doanh nghiệp khá “có tiếng” ở tỉnh, tiếc thay, đó không phải là tiếng tốt mà là tai tiếng về nợ đọng BHXH. Đã nhiều năm nay, doanh nghiệp của anh luôn nằm trong tốp đầu nợ BHXH.

Làm ăn khó khăn, kiếm tiền trả lương cho người lao động để đảm bảo cuộc sống cho họ đã là đuối rồi. Số tiền trích nộp bảo hiểm cho công nhân phải để dùng vào việc khác. Cứ nợ đã - anh ta than thở.

Nhưng nợ BHXH cũng là một hình thức chiếm dụng - tôi vặn. Anh ta trơn tru: Biết là vậy, nhưng không nợ được sao. Tôi hỏi ông, người lao động cần việc làm, có thu nhập hàng ngày, hàng tháng hơn hay muốn trích nộp bảo hiểm hơn?

Rồi anh ta vẫy một công nhân đang làm việc gần đó: Đó, ông hỏi xem, cái cậu ấy cần nhất là gì.

Cuộc sống ổn chứ em? - Tôi bắt chuyện.

Dạ, cũng tạm ổn - cậu công nhân xoa xoa đôi bàn tay đầy vết sơn - Cũng may còn có công việc đều đều, đó là điều bọn em quan tâm nhất.

Đấy nhé - anh chủ doanh nghiệp đắc thắng chặn lời, dù tôi chưa kịp hỏi cậu công nhân ấy có biết gì về chuyện công ty nợ bảo hiểm của mình hay không.

Khắc phục nợ đọng bảo hiểm là bảo đảm quyền lợi cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh: HL

 

Từ câu chuyện trên hé lộ nguyên nhân tiếp theo đến từ phía người lao động. Tôi đã gặp gỡ khá nhiều công nhân làm việc ở các nhà máy, và điều rất đáng lo ngại là đa số họ chưa hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm và phương thức tham gia BHXH, điều họ quan tâm là việc làm.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là chế tài xử lý vi phạm còn bất cập. Từ trước đến nay, việc phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN còn nhẹ. Vì vậy, không ít doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH.

Trong khi đó, việc khởi tố về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015, từng được kỳ vọng là “thuốc đặc trị” cho “bệnh” nợ bảo hiểm, lại chưa thực hiện được.

Theo lý giải của UBND tỉnh, lý do là theo quy định, để khởi tố, cơ quan điều tra phải làm rõ việc người thực hiện hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác để không đóng BHXH, BHYT, BHTN (doanh nghiệp có tiền trong tài khoản mà không đóng, có sử dụng lao động nhưng không kê khai, đăng ký đóng BHXH…).

Hơn nữa, một trong những dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN mà còn vi phạm.

Trong khi đó, hầu hết các trường hợp bị phạt hành chính đều vì lý do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên chưa đóng, chứ không cố ý hay dùng thủ đoạn gian dối để không đóng.

Rõ ràng là trong xử lý “bệnh” nợ bảo hiểm thì “cái khó” đang “bó cái khôn”. Một điều chắc chắn là nhiều người biết: Nợ đọng bảo hiểm càng nhiều thì ảnh hưởng càng lớn đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN. Nhất là kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Các cấp, các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đăng ký tham gia BHXH của người lao động, tránh tình trạng trốn đóng thuế, trốn đóng BHXH.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần phối hợp, hướng dẫn cơ quan BHXH thu thập, hoàn thiện hồ sơ tài liệu chứng minh hành vi gian dối, gian lận trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN để xử lý theo quy định.

Trường hợp phát hiện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm, dùng thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác để không đóng, không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thì kiên quyết chuyển cơ quan chức năng để khởi tố về hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.  

Hồng Lam

Chuyên mục khác