Bệnh đái tháo đường và cách phòng ngừa hiệu quả

14/11/2018 07:03

Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có những đặc điểm như: tăng glucose máu kết hợp với những bất thường về chuyển hóa carbonhydrat, lipid, protein và bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh về thận, đáy mắt, thần kinh và tim mạch.

Bác sĩ Nguyễn Bá Trí - Phó khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nguyên nhân mắc bệnh đái tháo đường týp 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường, trong đó yếu tố môi trường là nhóm các yếu tố có thể can thiệp để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh như: giảm các hoạt động thể lực, thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tăng tinh bột và giảm chất xơ gây dư thừa năng lượng, chất lượng thực phẩm, các stress… Ngoài ra, tuổi thọ ngày càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao và đây là yếu tố không thể can thiệp được.

Theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hiện nay, mỗi năm trên thế giới có khoảng 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan tới đái tháo đường, trong đó hơn 80% các ca tử vong xảy ra ở những quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Trung bình khoảng 6 phút có 1 người bệnh đái tháo đường tử vong. Mỗi 30 giây lại có 1 người mắc bệnh đái tháo đường bị cắt cụt chi do biến chứng bàn chân đái tháo đường. Mỗi ngày có 5.000 người bị mù lòa do biến chứng mắt đái tháo đường. Trên 90% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường týp 2 là do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ thừa cân, béo phì.

Khám bệnh huyết áp và đái tháo đường cho người dân xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei)

 

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường chung là 19,1%, trong đó đái tháo đường 5,4% và tiền đái tháo đường 13,7%.

Tại tỉnh Kon Tum, số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện hàng năm tương đối nhiều. Số liệu tổng hợp trong nhiều năm tại một số huyện trong tỉnh cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường từ 3-5% và tiền đái tháo đường từ 8-13%.

Hiện nay, bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là gánh nặng đối với người bệnh, gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, có khoảng 1/2 số bệnh nhân đái tháo đường týp 2 không được chẩn đoán do không có biểu hiện lâm sàng.

Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức triển khai Dự án Phòng, chống bệnh đái tháo đường từ năm 2010 và ngày càng được mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7/10 huyện, thành phố và 9/102 xã, phường trong tỉnh được triển khai thực hiện Dự án Phòng, chống bệnh đái tháo đường và đã phát hiện, quản lý được 579 bệnh nhân. Ngành Y tế tỉnh đã đề ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 100% số xã, phường triển khai hoạt động công tác phòng, chống bệnh đái tháo đường.

Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn ngành Y tế tỉnh đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân về bệnh đái tháo đường nhằm giảm thiểu yếu tố nguy cơ mắc bệnh và tổ chức khám, sàng lọc phát hiện bệnh đái tháo đường trong nhân dân. Đặc biệt, đến nay, đơn vị cũng đã tập huấn cho 427 học viên là đội ngũ nhân viên y tế tuyến huyện và tuyến xã, phường, thị trấn về nâng cao kỹ năng khám, phát hiện, tư vấn bệnh, quản lý bệnh tại cộng đồng; tăng cường công tác quản lý bệnh nhân bằng cách thường xuyên theo dõi sức khỏe người bệnh tại cộng đồng, tổ chức khám sàng lọc và xét nghiệm phát hiện bệnh, khuyến cáo người dân thực hiện công tác phòng và chống bệnh đái tháo đường...

Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn thường xuyên tổ chức xét nghiệm đường máu mao mạch và được tư vấn miễn phí tại đơn vị; tổ chức tuyên truyền phòng, chống bệnh đái tháo đường, cao điểm nhất là vào Ngày Thế giới Phòng, chống bệnh đái tháo đường (14/11) với các nội dung về sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, cách phòng chống bệnh và phòng biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra; chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng thông qua các hình thức như: phát thanh, truyền hình, treo băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tổ chức nói chuyện trực tiếp với người dân tại các thôn, tổ dân phố...

Ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm: Hàng năm, ngành Y tế tỉnh cũng đã khuyến cáo cho người dân biết về bệnh đái tháo đường là có thể phòng tránh được bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Cụ thể, người dân cần kiểm tra đường máu để sớm phát hiện bệnh, ít nhất mỗi năm 1 lần; cố gắng duy trì trọng lượng cơ thể ở mức khỏe mạnh và ổn định, bởi béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường, có liên quan chặt chẽ đến hiện tượng kháng insulin và sự thiếu hụt insulin; tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm cân, tiêu thụ năng lượng dư thừa, giảm stress, làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường; có chế độ ăn uống hợp lý sẽ kiểm soát được lượng thực phẩm chứa tinh bột một cách hợp lý, hạn chế thức ăn nhanh, khẩu phần ăn nhiều chất xơ...

Đặc biệt, người mắc bệnh đái tháo đường cần hạn chế tiếp xúc với thuốc và độc chất, bởi vì nó có khả năng phát triển bệnh đái tháo đường thứ phát do có tác dụng gây độc cho tế bào bêta của tụy như: dùng nhiều corticoid, độc chất nitroxamin… thói quen nghiện thuốc lá, các dẫn chất có chứa alcohol như: rượu, bia cũng là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, mọi người cần giữ lối sống sinh hoạt lành mạnh, tránh căng thẳng trong công việc và sinh hoạt gia đình và xã hội, vì tất cả các stress đều có thể gây khởi phát bệnh đái tháo đường.

Bài, ảnh: Vĩnh Hà

Chuyên mục khác