“Báu vật” của làng

31/03/2023 13:21

Hình ảnh cây đa, kơ nia cổ thụ rợp bóng, tồn tại hàng trăm năm luôn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Ba Na ở làng Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum). Những loại cây này được người dân tích cực bảo vệ, gìn giữ như “báu vật”của làng.

Đưa chúng tôi đến tham quan các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại nhà rông làng Kon Rơ Wang, Trưởng thôn A Kiệt cho biết: Người ở thôn ghi nhớ và truyền lại thì các cây có tuổi bằng 4 đời người rồi, chứ không nhớ chính xác độ tuổi nên họ chỉ lấy cái mốc đời người để tính tuổi cho các cây cổ thụ. 

Ông A Kiệt - Trưởng thôn Kon Rơ Wang tự hào về cây đa cổ thụ của thôn. Ảnh: NS

 

Trong khuôn viên nhà rông của thôn có 3 cây đa, 3 cây vông, 1 cây kơ nia đã tồn tại và gắn liền với thôn Kon Rơ Wang. Trong đó, 3 cây đa cổ thụ được các bậc cao niên của thôn tương truyền rằng là cây đa gia đình. Bởi vì, một cây lớn nhất có đặc điểm thân sần sùi, gai góc, bộ rễ tua tủa bám sâu vào đất nên gọi là cây đa cha; còn cây đa mẹ và con thì có kích thước nhỏ hơn, không có bộ rễ tua nhưng lại nhiều cành to vươn rộng ra bốn phía khép tán che phủ bóng mát cả một khoảnh đất rộng nhà rông của thôn

Còn theo ông A Loi –Trưởng ban công tác Mặt trận thôn chia sẻ: Từ thời xa xưa, khi có những cây đa cổ thụ, trong thôn có người mất đã chôn cất dưới bóng cây đa để tưởng nhớ, lưu giữ linh hồn của người đã khuất. Mãi đến những năm 2000, người dân đã di dời các phần mộ đi để xây dựng nhà rông Kon Rơ Wang như bây giờ.

Cũng nằm trong khuôn viên nhà rông, cây kơ nia tuy không to lớn bằng nhưng lại là cây cứng cáp, đứng một mình hiên ngang trước cổng vào sân nhà rông. Cây kơ nia thường mọc rải rác, đơn lẻ nên có sức sống mãnh liệt. Cũng chính vì thế, nhiều câu chuyện được kể về loại cây này.

Từ khi còn nhỏ, ông A Loi được người già kể rằng: Thời xa xưa, ở mảnh Tây Nguyên có một ngôi làng nọ, người vợ mãi chưa có con. Bởi muốn có con, 2 vợ chồng đều chịu khó tìm đến sườn núi cầu xin thần linh ban phước để có con. Được một thời gian, vợ chồng hạ sinh một bé gái và đặt tên là nàng Kơ Nia. Sau khi lớn, cha mẹ mất, Kơ Nia phải làm thuê cho người khác. Vì hằng ngày phải phơi nắng làm việc cực nhọc, cô đã kiệt sức, nằm giữa mảnh đất cằn cỗi rồi không bao giờ tỉnh lại nữa. Từ nấm mộ giữa rẫy hoang ấy mọc lên một loại cây thẳng tắp sừng sững, vươn cao, rợp mát giữa trời xanh. Do câu chuyện linh thiêng đó, nhiều người dân Tây Nguyên khi phát rừng làm rẫy không chặt phá, để cây phát triển che mưa gió cho mọi người.

Cũng vì thế, người dân thôn Kon Rơ Wang luôn coi kơ nia ở nhà rông là cây thần, luôn ban phước lành, may mắn cho nhân dân. Vì thế, nhiều năm nay, dân làng ra sức bảo vệ và không cho người lạ xâm phạm, phá hoại.

Các cây cổ thụ rợp bóng, tồn tại hàng trăm năm bên nhà rông thôn Kon Rơ Wang. Ảnh: N.S

 

Cây kơ nia không chỉ cho bóng mát để nghỉ ngơi, gỗ của nó rất chắc nên từ xưa người Ba Na thường dùng để làm chày, cối giã gạo. Ngoài ra, phần nhân hạt chín của kơ nia còn sử dụng để làm món ăn vặt của trẻ con, người lớn của thôn. Cứ vào tháng 5-6, trẻ con trong thôn Kon Rơ Wang lại hồ hởi tụ tập dưới bóng cây kơ nia để nhặt những hạt chín. Sau đó, để trên tấm gỗ, cầm dao chẻ vỏ hạt ăn phần nhân và đây là món ăn tuổi thơ của nhiều người trong thôn. 

Ngoài cây đa, kơ nia, thì có một loại cây to lớn ở nhà rông của thôn, 5-6 người ôm không xuể, độ che phủ tán cây rộng hàng trăm mét vuông, đó chính là cây vông – người Ba Na gọi là dơ dap. Còn trong tâm trí của ông A Kiệt thì những cây vông là cả bầu trời tuổi thơ với những lần cùng đám bạn chạy nhảy, chơi đùa dưới bóng cây.  

Ông A Kiệt cho biết thêm: Người dân thôn rất tự hào khi khuôn viên nhà rông có các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Dân làng thường cùng nhau quây quần dưới tán cây đánh chiêng, múa, hát. Khi cây bung hoa, kết nụ, chim muông khắp nơi đến làm tổ khiến không gian càng thêm náo nhiệt. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở mọi người bảo vệ không gian, cảnh quan tại nhà rông, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.  

Nay Săt

Chuyên mục khác